Sáng 5-10, UBND tỉnh Quảng Trị họp phiên toàn thể nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và tháo gỡ các vướng mắc trong chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Điều hành ngân sách khó nhất 10 năm qua
9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Trị đạt 6,29%, thấp hơn so với kế hoạch 6,5-7%. Cùng với đó, các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp du lịch, thu hút đầu tư có những kết quả đáng ghi nhận. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Trương Chí Trung - giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tỉnh Quảng Trị vẫn khó đạt 4 chỉ tiêu quan trọng, gồm tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng thu ngân sách… Tổng thu ngân sách đến ngày 30-9 đạt 2.640 tỉ đồng so với dự toán 4.050 tỉ đồng, đạt 65,2% dự toán địa phương, bằng 73,2% cùng kỳ năm 2022.
Còn theo Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thanh: "Trong 10 năm qua, chưa bao giờ điều hành ngân sách khó khăn như hiện nay. Từ nay đến cuối năm, chúng ta phải thu thêm 1.400 tỉ đồng. Phải xác định đây là nhiệm vụ chung của các ngành, địa phương". Ngoài tăng các nguồn thu, bà Thanh đề nghị tăng giải ngân đầu tư công để thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Không giải ngân đầu tư công là có tội
Trong bối cảnh thu ngân sách địa phương gặp khó khăn, Quảng Trị được phân bổ 3.089 tỉ đồng đầu tư công, đến nay mới giải ngân được 1.059 tỉ đồng, đạt 33,7%. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng "chăm chút" lắm mới được trung ương phân bổ vốn đầu tư công, không giải ngân được là có tội với dân.
"Câu hỏi đặt ra rất vô lý, khi có tiền nhưng lại không tiêu, không giải ngân được. Giải ngân chậm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến nguồn thu.
Quan trọng hơn khi hoàn thành các dự án, công trình quan trọng sẽ thúc đẩy phục vụ kinh tế, phát triển sản xuất", ông Hưng nói.
Ghi nhận, có 17 đơn vị, sở ngành giải ngân ở nhóm khá từ 40% đến trên 60%. Hai nhóm cuối gồm 13 đơn vị dưới 40% và 7 đơn vị chưa giải ngân. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, cùng 5 ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên giải ngân 0%.
Ông Võ Văn Hưng nêu tên từng đơn vị và cho rằng có trách nhiệm chủ quan của người đứng đầu khi để giải ngân vốn đầu tư công thấp.
"Giải pháp quan trọng nhất là gắn trách nhiệm người đứng đầu. Tỉnh không giải ngân được tôi cũng xem lại trách nhiệm của mình. Sắp tới sẽ xem xét thi đua, khen thưởng các đơn vị giải ngân thấp", ông Hưng kết luận và đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung giải ngân vốn đạt chỉ tiêu đến cuối năm.
Đến hết tháng 8-2023, thanh toán vốn đầu tư công đạt 40% kế hoạch năm. Nhiều địa phương, bộ ngành đạt được mức giải ngân cao trên 60%.