Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo đó, với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tổng nguồn vốn đến cuối năm 2022 đạt 7,61 triệu tỉ đồng, tăng 1,2 triệu tỉ đồng so với cuối năm 2021.
Nợ xấu tăng 23,24%, kết quả xử lý nợ xấu tích cực
Tổng dư nợ cho vay đạt 5,2 triệu tỉ đồng, tăng 609.633 tỉ đồng (13%) so với cuối năm 2021, trong đó nợ xấu là 78.240 tỉ đồng (chiếm 1,33%), tăng 14.753 tỉ đồng so với năm 2021 (tương ứng tăng 23,24%).
Tổng số dư các khoản chứng khoán kinh doanh đầu tư của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 830.749 tỉ đồng.
Chính phủ đánh giá nhìn chung trong năm 2022, các ngân hàng thương mại nhà nước đạt kết quả khá tích cực trong xử lý nợ xấu khi triển khai quyết liệt phương án xử lý nợ xấu, thường xuyên rà soát, cập nhật, đánh giá tính khả thi của phương án xử lý nợ xấu.
Trong số này bao gồm: số dư các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ là 2.831 tỉ đồng, giảm 1.204 tỉ đồng so với năm 2021 (tương đương 29,84%). Một số ngân hàng giảm dần số dư các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (Vietcombank chỉ còn 68 tỉ đồng dư nợ; BIDV không còn dư nợ).
Các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, và giữ nguyên nhóm nợ đến cuối năm 2022 là 69.934 tỉ đồng, giảm 185.666 tỉ đồng (-73%) so với năm 2021.
Tổng dư nợ của khách hàng có số dư được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 50.056 tỉ đồng.
Ngoài ra, tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước được xử lý trong năm 2022 thông qua các hình thức như khách hàng trả nợ, bán phát mại tài sản; trích lập dự phòng) đạt 119.888 tỉ đồng, tăng 60.381 tỉ đồng (101%) so cuối năm 2021. Sử dụng dự phòng rủi ro 62.599 tỉ đồng, tăng 23.686 tỉ đồng (61%) so cuối năm 2021.
Về kết quả kinh doanh, các ngân hàng thương mại nhà nước đạt tổng doanh thu là 538.372 tỉ đồng, tăng 95.835 tỉ đồng (22%) so với năm 2021. Tổng chi phí đạt 436.723 tỉ đồng, tăng 64.717 tỉ đồng (17%) so với năm 2021.
Đầu tư, kinh doanh có lãi
Lợi nhuận trước thuế đạt 101.648 tỉ đồng, tăng 31.118 tỉ đồng (44%) so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 81.510 tỉ đồng, tăng 24.875 tỉ đồng (44%) so với cùng kỳ năm 2021.
Các ngân hàng thương mại có khoản nợ phải thu là 131.170 tỉ đồng, tăng 60.195 tỉ đồng so với năm 2021.
Trong đó: Vietinbank là 65.993 tỉ đồng, tăng 31.760 tỉ đồng so với cuối năm 2021; BIDV là 22.768 tỉ đồng, tăng 14.912 tỉ đồng so với năm 2021; Vietcombank là 32.438 tỉ đồng, tăng 11.320 tỉ đồng (53,6%) so với năm 2021; Agribank là 9.971 tỉ đồng, tăng 2.203 tỉ đồng so cuối năm 2021.
Báo cáo Chính phủ cũng cho biết tình hình đầu tư vốn và vốn ngoài ngành của các ngân hàng. Cụ thể, với Vietinbank, tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị nhận vốn khác đạt 4.844 tỉ đồng. Đầu tư vốn ra nước ngoài là 50 triệu USD, thoái vốn đầu tư ngoài ngành với nhiều dự án.
Với BIDV, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính là 8.132 tỉ đồng, với cổ tức nhận về từ công ty con là 158 tỉ đồng; công ty liên kết là 110 tỉ đồng và đầu tư tài chính là 35 tỉ đồng.
Với Vietcombank, tổng giá trị đầu tư là 6.681,19 tỉ đồng, kết quả kinh doanh đều ổn định với thu nhập từ đầu tư là 580 tỉ đồng và từ cổ tức là 346,79 tỉ đồng, thoái vốn là 69 tỉ đồng.
Với Agribank, tổng vốn đầu tư đạt 2.268,2 tỉ đồng, giảm 118 tỉ đồng so cuối năm 2021, các công ty đều kinh doanh có lãi.
Ba "ông lớn" ngân hàng Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID) vừa đồng loạt ra báo cáo tài chính quý 2-2023. Lợi nhuận nhìn chung đều đi lên, song chất lượng tín dụng xấu hơn khi nợ cần chú ý và nợ xấu đều gia tăng.