Tàu thăm dò không người lái Luna-25, dự kiến sẽ hạ cánh xuống Cực Nam của Mặt trăng vào ngày 21-8, đã mất kiểm soát và nổ tung trên bề mặt của vệ tinh này vào ngày 19-8. Đây là chuyến thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976.
Theo báo Newsweek, Nga đã khá khó khăn để thay thế một số công nghệ phức tạp nhập khẩu từ phương Tây, chẳng hạn như vi mạch và chất bán dẫn, kể từ khi nước này phải chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có vì cuộc xung đột ở Ukraine.
“Nguyên nhân có thể nhất về vụ tai nạn của Luna-25 là do hoạt động bất thường của hệ thống kiểm soát trên tàu”, Roscosmos cho biết, và thêm rằng trục trặc ở thiết bị đo vận tốc góc BIUS-L của con tàu làm cản trở việc tắt hệ thống đẩy.
Roscosmos nói hệ thống đẩy của tàu vũ trụ đã hoạt động trong 127 giây, thay vì chỉ cần 84 giây như dự kiến trong lúc nó tiến tới bề mặt Mặt trăng. Hậu quả là con tàu đã chuyển dịch vào quỹ đạo mở nằm ngoài mục tiêu và va chạm với bề mặt Mặt trăng.
Cũng theo Roscosmos, họ đã trình bày “các khuyến nghị và biện pháp bổ sung” cho các sứ mệnh tương lai trên Mặt trăng.
Cơ quan hàng không vũ trụ này thừa nhận có trục trặc với thiết bị BIUS-L, sau khi kỹ sư trưởng của thiết bị này nói các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đồng nghĩa với việc Nga phải sản xuất BIUS-L trong nước, khiến nó nặng hơn bình thường gấp 7 lần.
Roscosmos không nói rõ nguyên nhân dẫn đến trục trặc của thiết bị BIUS-L, nhưng sự thừa nhận của họ cho thấy lệnh trừng phạt đã có một vai trò nhất định trong vụ việc.
Thiết bị nặng 10kg thay vì chỉ 1,5kg
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin Gazeta của Nga vào tháng 5-2021, trưởng nhóm thiết kế của thiết bị, Alexey Kazakov, cho hay nhóm đã phải "thay thế các bộ phận nhập khẩu" và sản xuất các phụ kiện cần thiết ngay trong nước.
Khi bị chất vấn tại sao thiết bị BIUS-L nặng 10kg, trong khi phiên bản trước đó nặng 1,5kg, ông Kazakov nói: "Thiết bị của chúng tôi hoàn toàn được chế tạo dựa trên các linh kiện trong nước, đó là vấn đề”.
Theo một nghiên cứu mới nhất, lượng nước có trên Mặt trăng có khả năng đến từ dải plasma ở phần đuôi từ quyển của Trái đất.