Dự báo xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trị giá xuất khẩu hàng rau hoa quả trong tháng 9/2023 ước đạt 650 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 160% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, chuối, thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng. Với sầu riêng, từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả, vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng tới.
Thông tin trên VTV, Trung Quốc hiện là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 8 tháng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 64% thị phần.
Trong top 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả, ngoài Trung Quốc, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất tăng trưởng dương; Mỹ, Thái Lan, Australia giảm nhập khẩu.
Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 168 triệu USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 148 triệu USD, tăng 18%; Nhật Bản là 123 triệu USD, tăng 6%...
Báo Nhân Dân dẫn nguồn thống kê của Cục Trồng trọt, ước sản lượng các loại cây ăn quả chính (xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít) toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 là 5.335 nghìn tấn; trong đó ước sản lượng 8 tháng đầu năm 2023 là 3.645 nghìn tấn; ước sản lượng 4 tháng cuối năm 2023 là 1.629 nghìn tấn.
Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cần chú ý các yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng.
Dự báo với tốc độ tăng trưởng này, dự báo cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt con số 5 tỷ USD - một kỷ lục mới của ngành hàng rau quả.
Nước ta có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu
Trao đổi với báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, con đường xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng rộng mở với những “tấm giấy thông hành” ra thế giới qua các nỗ lực đàm phán không ngừng với các đối tác thương mại. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn cần sự phối hợp cố gắng từ chính các doanh nghiệp. Cụ thể doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thị trường và xây dựng vùng chuyên canh trồng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường khó tính trên thế giới.
Được biết, hiện tại, hơn 70% trái cây xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, khiến giá trị gia tăng chưa cao. Đây là hạn chế cần khắc phục.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo về một số thị trường tiềm năng mà trái cây Việt nên hướng đến cùng những khuyến nghị cụ thể. Đơn cử, tại thị trường Mỹ - với nhu cầu về trái cây nhập khẩu cao, khi mà mức tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây, còn nguồn cung nội địa hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là thị trường tiềm năng.
Đáng chú ý tại thị trường châu Âu, cơ hội cho trái cây Việt tại thị trường này rất lớn vì quy mô thị trường chiếm tới 43% trị giá thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, lại là thời điểm lễ, Tết, nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Do đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.
“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỷ đô" của ngành nông nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định.
Cục Xuất nhập khẩu đánh giá rau quả của Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên, hiện nay sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thô, ở dạng tươi. Trong khi sản phẩm rau quả chế biến đang được người tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng tiêu thụ. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, gia tăng chế biến hàng rau quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với hàng rau quả chế biến.
Trúc Chi (t/h)