Trước khi diễn ra buổi đối thoại, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận được 17 ý kiến, kiến nghị của thanh niên toàn tỉnh gửi về, tập trung vào 5 nhóm vấn đề Kinh tế, khởi nghiệp và lập nghiệp; Đào tạo - việc làm; Khoa học - công nghệ; Môi trường và Văn hóa - giáo dục.
Anh Lê Trọng Nguyễn, ngụ huyện Châu Thành, đặt vấn đề: "Học đại học không còn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu như trước, mà ngày càng có nhiều bạn lựa chọn học nghề để sớm bước chân vào thị trường lao động phù hợp hơn với khả năng của bản thân.
Tỉnh có định hướng đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn trong thời gian tới như thế nào?".
Ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết năm 2023 là năm thứ 2 tỉnh Kiên Giang tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và thanh niên.
Theo ông Thành, việc đào tạo lao động phụ thuộc vào thị trường rất nhiều. Từ nay sắp tới việc học của các em phải gắn với việc làm, đảm bảo phù hợp từ nhu cầu thực tế việc làm. Đào tạo bao nhiêu, việc làm ở đâu, ra sao sẽ được tính toán.
"Do đó, việc đào tạo phải đa dạng ở các thị trường lao động trong tỉnh bao nhiêu, ngoài tỉnh bao nhiêu. Cái khó khăn là Kiên Giang không có khu công nghiệp lớn, mà chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp.
Tuy nhiên nông nghiệp bây giờ không còn như xưa, mà toàn sử dụng máy móc nên khi thất nghiệp trở về quê sẽ không có việc làm vì ruộng nương đã không còn. Việc này chúng ta phải suy nghĩ rất kỹ khi đào tạo", ông Thành nói.
Ngoại ngữ vào top "áp chót" của Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Thành lưu ý việc đào tạo nghề chất lượng cao đang là nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, nghề chất lượng cao đòi hỏi bắt buộc là trình độ ngoại ngữ, nhưng học sinh tỉnh Kiên Giang còn yếu về môn học này.
Các trường nghề phải lưu ý về ngoại ngữ, đối với các em đầu vào phải nói tốt, viết tốt vì trình độ ngoại ngữ của Kiên Giang gần như đứng vào nhóm "áp chót" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những cái khó rất lớn.
"Đặc biệt ở TP Phú Quốc, khách Tây đến rất nhiều nhưng 'Tây nói với Tây, ta nói với ta', không nói chuyện với nhau được. Đây là cái rất yếu, là điểm đến du lịch nhưng không phát huy được. Tôi đã nói rất nhiều từ khi còn ở Phú Quốc, thậm chí tổ chức nhiều chương trình để cán bộ học ngoại ngữ nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển biến", ông Thành nói thêm.
Người đứng đầu UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định ngoại ngữ rất quan trọng, không chỉ phục vụ du lịch mà còn có thể tham gia hội thảo quốc tế, nghiên cứu khoa học và nhiều lĩnh vực khác...
"Tại sao mấy ông xe ôm, nông dân ở những nơi làm du lịch khác còn tranh thủ học tiếng này, tiếng kia rất tốt, còn cán bộ mình gặp khách Tây lại ôm điện thoại đứng né trong góc. Nếu không biết ngoại ngữ sẽ không thể ra nước ngoài học tập kinh nghiệm gì cả...
Xuất phát điểm của chúng ta còn thấp nên phải cố gắng học tập", ông Thành nói.
TTO - Lực lượng thanh niên chiếm đa số trong lực lượng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp nên phong trào thanh niên trong thời kỳ mới cũng đòi hỏi thay đổi thích ứng, hòa nhập với chuỗi sản xuất toàn cầu.