Phát biểu tại buổi đối thoại diễn ra chiều 6-10 tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - nói sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp vừa qua đã gây bức xúc trong nhân dân.
"Đây là sự việc không mong muốn. Việc này có phần trách nhiệm rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, giám sát của các cấp chính quyền địa phương. Chúng tôi đã quản lý chưa tốt, tôi thay mặt lãnh đạo tỉnh nhận thiếu sót với bà con. Chúng tôi xem đây là bài học trong công tác quản lý và hứa với bà con sẽ không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như sự cố đáng tiếc xảy ra tại bãi rác An Hiệp", ông Tam nói.
Trước đó, giữa tháng 7-2023, hàng chục hộ dân tại hai xã An Đức và An Hiệp (huyện Ba Tri) chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại bãi rác An Hiệp vì cho rằng bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sau khi xảy ra sự việc, rác thải tại TP Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Ba Tri bị ùn ứ khắp nơi vì không có chỗ xử lý. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm, giải quyết bức xúc của người dân xung quanh bãi rác để nhanh chóng mở cửa bãi rác, tiếp nhận nguồn rác trở lại.
Buổi đối thoại ngày 6-10 vừa để thông báo kết quả khắc phục các vấn đề bất cập tại bãi rác An Hiệp, vừa nghe tâm tư nguyện vọng của người dân sống xung quanh bãi rác.
Thông tin đến người dân, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cho biết đến nay ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp đã cơ bản hoàn thành, giảm được hơn 95% mức độ ô nhiễm so với lúc cao điểm của ngày 17-7.
Đến nay, việc phủ bạt các ô đã chôn lấp rác thải để hạn chế nước rỉ rác, mùi hôi không còn rác phát tán ra môi trường xung quanh… Trong thời gian tới, bãi rác An Hiệp sẽ tiếp nhận và xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh cho đến khi Nhà máy Xử lý rác thải Bến Tre hoàn thành tái cơ cấu, đi vào hoạt động (dự kiến trong quý 1-2026).
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, nhiều người dân vẫn không đồng ý với báo cáo này vì họ cho rằng bãi rác An Hiệp vẫn còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Ông Huỳnh Văn Châu (xã An Hiệp) cho rằng: "Tôi thấy lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre báo cáo như mùi hôi giảm, ô nhiễm giảm là chưa chuẩn xác. Nước rỉ ra từ rác và chảy ra môi trường vẫn xảy ra, mùi hôi vẫn còn, vẫn bay vào nhà dân xung quanh và thỉnh thoảng bãi rác bị cháy ảnh hưởng rất lớn đến người dân".
Một số hộ dân khác cũng cho rằng suốt 13 năm qua người dân đã phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng và bị thiệt hại về vật nuôi, cây trồng, sức khỏe. "Do đó, tôi đề nghị một là di dời bãi rác, hai là di dời người dân để rác và người dân không thể sống lẫn lộn", bà Phạm Thị Thủy, một người dân sống gần bãi rác, nêu ý kiến.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết sau khi người dân đưa ra các ý kiến, các cơ quan chức năng đã tổng hợp thành hai nhóm ý kiến, đó là: cho xe rác quay lại nhưng phải khắc phục ô nhiễm môi trường và nhóm thứ 2 là không đồng tình cho xe rác vào bãi và di dời bãi rác đi nơi khác hoặc di dời người dân.
Ông Tam một lần nữa khẳng định quy hoạch bãi rác tại khu vực hiện hữu đã có từ lâu nên không thể di dời. Ông Tam khẳng định thời gian tới khi đưa rác vào bãi rác An Hiệp sẽ thực hiện đúng tiêu chuẩn để đảm bảo môi trường, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Ngoài giải pháp môi trường, chúng tôi sẽ làm thêm một dải cây xanh xung quanh để tạo cảnh quan. Bên cạnh đó sẽ xử lý rác bằng các chế phẩm sinh học để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con sống xung quanh", ông Tam khẳng định.
TTO - Từ tối 13-7, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) căng lều bạt ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn vì chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng.