Thông tin được nêu từ buổi tiếp xúc cử tri giữa tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 10 với cử tri huyện Củ Chi, chiều 6-10.
Tại đây, cử tri Phan Thị Ngọc Hương ( khu phố 6, thị trấn Củ Chi) nêu phản ánh về việc vựa ve chai được cấp phép hoạt động trong khu dân cư. Bà Hương thắc mắc không rõ khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở này Sở Kế hoạch và Đầu tư TP đã tiến hành việc đánh giá tác động môi trường hay chưa bởi thực tế các vựa phế liệu đang gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư.
“Những vựa phế liệu hình thành thì khi đó sẽ kéo về những người hành nghề thu mua ve chai trong một khu dân cư. Kiến nghị cần đưa ngành nghề quy định thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, không cho kinh doanh ở đô thị vì mất mỹ quan”, bà Hương nói.
Về vấn đề này, chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cũng thống nhất với kiến nghị của cử tri. Bà Hiền cho rằng việc hình thành các vựa phế liệu trong khu dân cư nguy cơ nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp
“Giống như việc cấp phép karaoke, những loại hình kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực nên đưa vào danh mục cấp phép có điều kiện, có sự tham gia của chính quyền địa phương trong công tác giám sát, hậu kiểm”, bà Hiền cho hay.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt cần xem lại việc hình thành các khu vực kinh doanh phế liệu có hợp quy hoạch hay không. “Như Bình chánh để giải quyết vùng thu mua phế liệu mất tới 5-10 năm. Việc này dễ gây mất an ninh trật tự, mất an toàn phòng cháy chữa cháy. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có trách nhiệm trong việc này”, bà Lệ nhấn mạnh.
Cũng liên quan vấn đề môi trường, cử tri Nguyễn Trường Sơn (xã Thái Mỹ) phản ánh, dự án trồng cây xanh cách ly (giai đoạn 2) thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp và xã Thái Mỹ để giảm mùi hôi từ hoạt động xử lý rác ra ngoài hộ dân đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện. Trong khi thực tế bao năm qua mùi hôi từ bãi rác gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân sống gần khu vực bãi rác.
Với dự án này, Chủ tịch HĐND TP cho hay sẽ tiếp tục giám sát đôn đốc việc thực hiện và đề nghị UBND huyện phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường TP cùng đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện dự án.
Dự án hình thành 15 năm, vài hộ dân vẫn chưa được “an cư”
Cử tri Lê Văn Đấu (xã Hòa Phú) nêu phản ánh về dự án khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động 15 năm nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa được giải quyết tái định cư. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết từ năm 2013, huyện có nhiều công văn kiến nghị gửi UBND TP về nội dung này.
UBND huyện Củ Chi cũng kiến nghị tổ đại biểu Quốc hội có ý kiến và UBND TP nhanh chóng giao phần đất hơn 40ha cho khu công nghiệp Đông Nam để hình thành khu tái định cư giai đoạn 1.
Sau khi hình thành khu định cư giai đoạn 1, huyện sẽ bố trí tái định cư cho 22 hộ dân, trong đó có 3 hộ dân đang ở phần đất tái định cư giai đoạn 2. Nếu đã giao tái định cư cho 22 hộ này, Củ Chi sẽ tiếp tục thu hồi đất thực hiện tái định cư giai đoạn 2.
Dù TP.HCM phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại mức nào thì nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn là phần không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững.