Vào tháng 4, WTO cho rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể đạt 1,7%. Tuy nhiên, lãi suất leo thang làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và châu Á, khiến tổ chức gồm 164 thành viên điều chỉnh mạnh dự báo. Một số bất lợi khác gồm thị trường bất động sản Trung Quốc căng thẳng và xung đột ở Ukraine.
WTO cho biết suy thoái thương mại diễn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là sắt thép, thiết bị văn phòng và viễn thông, dệt may. Trong khi, ôtô là ngoại lệ đáng chú ý, với doanh số bán hàng tăng vọt năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian hôm 5/10, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá đã có tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng nguy cơ lãi suất cao vẫn còn kéo dài.
"Việc này vẫn chưa xong và nó đặt ra câu hỏi về khả năng lãi suất cao vẫn duy trì, chắc chắn là đến năm 2024 và có thể sang 2025. Vì vậy, triển vọng tăng trưởng yếu và điều kiện tài chính thắt chặt hơn", bà nhận định.
Tại châu Âu, nhà xuất khẩu lớn nhất khối là Đức tiếp tục ghi nhận kết quả kém. Theo số liệu từ Cơ quan thống kê Đức (Destatis), xuất khẩu của nước này giảm 1,2% trong tháng 8, trong khi nhập khẩu giảm 0,4%. Các nhà phân tích tại ING cho biết, thương mại sụt giảm làm tăng nguy cơ nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trở lại trong quý III năm nay.
Dự báo thương mại của WTO được đưa ra tương tự với đánh giá của IMF và Ngân hàng Thế giới trước thềm cuộc họp chung mùa thu ở Marrakech (Maroc) tuần tới. Cả hai tổ chức đều có khả năng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do có tín hiệu rằng các ngân hàng trung ương rằng sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn để kiềm chế lạm phát.
Một đánh giá lạc quan của Viện Peterson có trụ sở tại Washington thì cho rằng hầu hết nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm tới, sau khi lạm phát giảm trở lại, tạo điều kiện cho việc hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng.
Sau khi đạt 3,4% vào năm 2022, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự đoán sẽ ở mức 3% năm nay và 2,8% vào 2024. WTO cho biết GDP năm sau sẽ được hỗ trợ bởi hoạt động thương mại tăng trưởng 3,3%, không đổi so với dự báo hồi tháng 4.
Thừa nhận có những dấu hiệu về các cuộc xung đột thương mại khắp thế giới, dẫn đến các lệnh trừng phạt và phong tỏa hàng hóa, nhưng WTO cho rằng không có bằng chứng về xu hướng phi toàn cầu hóa trên diện rộng, có thể đe dọa đến dự báo năm 2024 của họ.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói suy giảm thương mại là điều đáng lo ngại vì có thể làm giảm mức sống của người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo. "Sự phân mảnh kinh tế toàn cầu sẽ làm cho những thách thức này tệ hơn", bà nói.
Dự báo của WTO không bao gồm hoạt động dịch vụ, nhưng tổ chức này cho biết mức tăng trưởng của lĩnh vực này cũng đang giảm dần sau khi du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022. Cụ thể, dịch vụ toàn cầu tăng 9% trong quý I/2023, giảm từ mức 19% trong quý II/2022.
Phiên An (theo The Guardian)