Đây là mô tả thú vị về Hà Nội xưa của Charles-Édouard Hocquard mà người xem có thể tìm thấy trong triển lãm Thành xưa phố cũ, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tổ chức tại di tích Hoàng thành Thăng Long.
Nhiều thông tin thú vị cho những ai quan tâm tới lịch sử, văn hóa Hà Nội có thể tìm thấy trong triển lãm này. Như chuyện các phố cổ của Hà Nội xưa đều có cổng.
Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) là một bác sĩ quân y người Pháp. Năm 1884, ông tình nguyện sang Đông Dương phục vụ trong quân đoàn viễn chinh, và tình cờ trở thành một nhà chép sử bằng ảnh chụp vùng đất này.
Hàng trăm bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của xứ sở mới đã mang về cho Hocquard huy chương vàng danh giá tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885.
Năm 1892, ông cho in thành sách về chuyến đi của mình dưới nhan đề Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ), với hơn 200 hình khắc họa từ số ảnh ông đã chụp Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19.
Cuốn sách đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam gần đây.
Cổng phố Hà Nội xưa
Theo Charles-Édouard Hocquard trong cuốn sách này, những cổng phố người Hoa ở Hà Nội đều rất kiên cố và trổ lỗ châu mai chẳng khác bức tường thành, có hành lang hẹp cho người canh gác, cảnh giới. Khi cổng đã đóng thì bên ngoài không thể lọt vào nên bảo vệ được các nhà buôn khi quân Cờ Đen đánh vào Hà Nội.
Nhờ những cổng phố như thế nên trong thời gian máu lửa đó chỉ có người Hoa là giữ được khu phố của mình an toàn.
Các phố cổ khác ở Hà Nội cũng có cổng phố nhưng không kiên cố như thế.
Cổng phố Hàng Chiếu giới thiệu trong triển lãm là một trong những cổng cổ nhất của các phố cổ Hà Nội, làm bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá.
Mái ga Hà Nội không như thiết kế ban đầu, Cột cờ Hà Nội từng thành nơi xem… đua ngựa
Triển lãm còn gợi mở nhiều thông tin thú vị cho những người yêu văn hóa và lịch sử tiếp tục tìm hiểu, như chuyện biến thiên công dụng của Cột cờ Hà Nội, chuyện ga Hà Nội từng được thiết kế với mái dốc phương Đông, chứ không phải mái phương Tây như thực tế.
Khi phá thành Hà Nội, người Pháp còn giữ lại cổng thành Cửa Bắc với những vết đạn pháo, dấu vết của những cuộc tấn công của quân đội Pháp vào thành và Cột cờ (Kỳ đài).
Cột cờ Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812), với chức năng là đài quan sát trong và ngoài thành.
Nhưng thời gian đầu người Pháp dùng cột cờ làm tháp truyền tin quang học. Đến năm 1887, khi lối sống châu Âu đã hình thành ở Hà Nội, cột cờ nhận nhiệm vụ mới: Khán đài cho dân chúng theo dõi các cuộc đua thể thao, đua ngựa. Khu đất giữa cột cờ và Hoàng cung được dùng làm bài tập và sân thể thao.
Từ 1888-1891, cột cờ lại được chuyển thành tháp canh, thời điểm này hồ nước phía trước kỳ đài vẫn còn.
Còn ga Hà Nội được kỹ sư Brorreil thiết kế ban đầu vào năm 1898 và đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua.
Tuy nhiên, kiến trúc của tòa nhà này đã được thay đổi khá nhiều khi xây dựng sau đó không lâu, đặc biệt phần mái dốc kiểu Á Đông được thay bằng mái Mansard và phần bố trí mặt bằng chung cũng không giống thiết kế ban đầu.
Đến nay, ga Hà Nội qua nhiều lần sửa chữa đã không còn giữ được kiến trúc ban đầu, mà kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Xô viết.
Triển lãm “Kẻ chợ - Phố cổ” tái hiện quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ Hà Nội sẽ khai mạc tại số 50 Đào Duy Từ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 17-4-2015.