Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thông qua chiến dịch tăng lãi suất nhanh chóng để ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao và các nhà hoạch định chính sách trong suốt quá trình thắt chặt chính sách hoan nghênh sự điều chỉnh phần lớn suôn sẻ trong các điều kiện tài chính toàn cầu như một minh chứng cho việc quản lý tài chính và tiền tệ tốt hơn ở nhiều quốc gia.
Nhưng sau thời điểm được xem là phục hồi trong mùa hè, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết “các vết nứt” đang xuất hiện khi trái phiếu chính phủ của các thị trường mới nổi chịu áp lực do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ ngày càng tăng.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm trong tuần này đã vượt ngưỡng 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Mặc dù lợi suất này thường xuyên ở trên mức 5% trong những năm đầu của thế kỷ này, các nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng lần này là đáng chú ý, đặc biệt khi xảy ra ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đã báo hiệu việc tăng lãi suất của họ sắp kết thúc.
Gene Tannuzzo, người đứng đầu toàn cầu về thu nhập cố định tại Columbia Threadneedle cho biết: “Nên bớt lo lắng về mức độ tăng mà tập trung nhiều hơn vào tốc độ thay đổi”.
Lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ đã tăng khoảng 1 điểm phần trăm trong ba tháng qua so với một lần tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm của Fed trong giai đoạn đó. “Đó là một tỷ lệ thay đổi không thể duy trì được và nếu chúng ta tiếp tục đi theo hướng đó thì chúng ta sẽ cần thấy hành động từ Fed để giảm bớt tác động”, chiến lược gia Gene Tannuzzo cho biết.
Rủi ro lây lan
Cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần tới là cơ hội để đánh giá tình trạng của nền kinh tế toàn cầu và kèm theo các báo cáo nổi bật về triển vọng kinh tế thế giới và tình hình thị trường tài chính toàn cầu.
Lạm phát và tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt đã trở thành tâm điểm thị trường kể từ khi giá bắt đầu tăng mạnh vào năm 2021. Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu gần đây nhất được ban hành vào tháng 4 của IMF đã cho thấy rủi ro đối với hệ thống tài chính là ưu tiên hàng đầu sau khi một số ngân hàng nổi tiếng của Mỹ sụp đổ trong những tháng trước.
Tuy nhiên, những khoảnh khắc đó trôi qua mà không có bất kỳ rủi ro lây lan nào rộng hơn, và triển vọng dần dần sáng sủa hơn kể từ đó, đặc biệt là ở Mỹ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tiếp tục cùng với lạm phát giảm - cái gọi là kịch bản hạ cánh mềm - đã dần gia tăng.
Kịch bản tốt nhất đó sẽ có tác động tích cực trên toàn cầu. Việc giữ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi suy thoái mang lại nhu cầu ổn định hơn cho hàng xuất khẩu của các quốc gia khác, cũng như sự chắc chắn hơn khi việc tăng lãi suất của Fed đã đạt đến điểm dừng.
Tuy nhiên, những chuyển động nhanh chóng trên thị trường tài chính có thể gây bất ổn, với tác động được cảm nhận thông qua lợi suất trái phiếu tăng, đồng đô la mạnh hơn và áp lực lạm phát mới ở các quốc gia khác.
Karen Dynan, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard cho biết: “Có những tác động có thể xảy ra nếu căng thẳng ngân sách được tạo ra ở các quốc gia khác hoặc cuối cùng là khủng hoảng ngân sách ở các quốc gia khác. Tôi nghĩ đó là điều mà Fed cần theo dõi. Những cuộc khủng hoảng đó có thể lan sang các thị trường tài chính rộng lớn hơn và sau đó gây ra mối đe dọa thực sự cho nền kinh tế của chúng ta”.
Trong các bình luận đầu tuần này, một số chủ tịch ngân hàng khu vực của Fed nhận thấy hoạt động trên thị trường trái phiếu Kho bạc là phù hợp với những gì được mong đợi từ việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương, đồng thời cho biết điều này không có tác động quá lớn đến chi tiêu của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp nhưng điều đó sẽ dẫn đến lo ngại liệu các nhà hoạch định chính sách có đi quá xa với việc tăng lãi suất hay không.
Sự thắt chặt không lường trước được
Tuy nhiên, lợi suất tăng vọt cũng cho thấy một số bất ổn của ngân hàng trung ương mà các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cố gắng giải quyết vào tuần tới.
Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại. Sau phản ứng tài chính quy mô lớn trên toàn thế giới đối với đại dịch Covid-19, ngân sách nhiều quốc gia có thể quá căng để có thể ứng phó mạnh mẽ trước một cuộc khủng hoảng tiền tệ hoặc bất ổn tài chính gây ra bởi sự thay đổi dòng vốn do đồng đô la thúc đẩy.
Các cơ quan như Fed có thể kiểm soát lãi suất qua đêm được thiết kế để ấn định lãi suất cho các loại tài sản tài chính khác. Nhưng thị trường bị ảnh hưởng bởi quan điểm kinh tế vĩ mô, triển vọng lạm phát và các yếu tố như rủi ro chính trị cuối cùng sẽ quyết định chi phí đi vay của chính phủ, công ty và hộ gia đình.
Chính những mức lãi suất đó có thể thúc đẩy hoặc làm suy thoái nền kinh tế, nuôi dưỡng hoặc kìm hãm lạm phát. Vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra là liệu những động thái gần đây của thị trường có vượt quá mức cần thiết để kiềm chế lạm phát và tạo ra những rủi ro không mong muốn cho tăng trưởng hay không.
Cho đến nay, các động thái này không cho thấy một cuộc khủng hoảng đang gia tăng. Theo các nhà kinh tế tại Capital Economics, những so sánh với biến động năm ngoái đối với lãi suất trái phiếu chính phủ Anh hoặc tình trạng thiếu thanh khoản của thị trường khi bắt đầu đại dịch Covid là bị thổi phồng quá mức.
Nhưng đó cũng là loại môi trường có thể "biến thành một điều gì đó nghiêm trọng hơn" nếu tổn thất từ trái phiếu đẩy một tổ chức quan trọng đến tình trạng mất khả năng thanh toán, như đã xảy ra tại ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3, hoặc làm xói mòn niềm tin đến mức những người nắm giữ chứng khoán bắt đầu bán tháo.
Theo Capital Economics, hậu quả sẽ phụ thuộc vào việc lợi suất trái phiếu tăng thêm bao nhiêu và nhanh như thế nào. Rủi ro lớn bắt nguồn từ việc thắt chặt các điều kiện tài chính ngoài dự kiến sẽ gây căng thẳng cho ngân sách của chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp, chuyển thành căng thẳng ngân hàng và đảo ngược tăng trưởng kinh tế.