Tâm lý dè dặt, thanh khoản chứng khoán xuống thấp
Kết phiên cuối tuần (ngày 6-10), Vn-Index đóng cửa ở mức 1.128,54 điểm, tăng 14,65 điểm, tương đương 1,32%.
Điểm số phục hồi nhưng thanh khoản toàn thị trường vẫn tiếp tục ở mức thấp với hơn 14.700 tỉ đồng, giảm 18,5% so với trung bình 5 phiên và giảm 42% so với trung bình 20 phiên.
Chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tâm lý thị trường nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh thanh khoản trước những thông tin không tích cực.
Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng hơn 4.400 tỉ đồng trong tháng 9 - lớn nhất theo tháng từ đầu năm đến nay và khiến vị thế ròng kể từ đầu năm của nhóm này là -7.790 tỉ đồng.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng bán ròng mạnh mẽ trong tháng 9 với hơn 3.300 tỉ đồng, đánh dấu vị thế bán ròng tính từ đầu năm của nhóm này hơn 10.200 tỉ đồng.
Việc các nhà đầu tư tổ chức liên tục bán ròng với tỉ lệ tham gia thị trường ở mức thấp khiến diễn biến thị trường chịu chi phối chủ yếu bởi tâm lý nhà đầu tư cá nhân - vốn thường dao động mạnh đặc biệt trong những giai đoạn trống thông tin hỗ trợ, theo VDSC.
"Cho đến khi nhà đầu tư chuyên nghiệp gia nhập trở lại, xu hướng chung của thị trường sẽ ổn định và tích cực hơn", chuyên gia VDSC dự báo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đức Anh - giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) - cũng nhận thấy tâm lý dè dặt của nhà đầu tư khi quy mô thanh khoản mấy phiên gần đây chỉ loanh quanh hơn chục nghìn tỉ đồng.
Theo vị chuyên gia, khi thị trường kéo dài nhịp tăng, tâm lý giao dịch sôi động. Ngược lại, với mấy phiên điều chỉnh mạnh gần đây như lời cảnh báo, giai đoạn "kiếm tiền dễ" đã qua.
Có nhiều thông tin từ thế giới, trong nước dẫn đến tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về mặt bằng lãi suất, bởi vậy họ thận trọng xuống tiền, ông Đức Anh lý giải.
Chưa kể, lực mua từ khối ngoại trong các nhịp giảm vừa qua khá yếu. Xu hướng bán ròng của khối này vẫn tiếp diễn. Điều này được nhận định là một lý do tác động tâm lý nhà đầu tư cá nhân.
Ngành nào được dự báo sẽ phục hồi tích cực trong quý 3?
Dự báo về xu hướng, ông Trần Đức Anh cho rằng thị trường khó có thể quay trở lại sôi động ngay với thanh khoản cao trong ngắn hạn.
Thời gian tới theo vị chuyên gia, kết quả kinh doanh quý 3-2023 được coi như một yếu tố hỗ trợ thị trường khi nhà đầu tư nhận thấy tín hiệu phục hồi từ các cổ phiếu doanh nghiệp mình quan tâm hoặc nắm giữ.
Đề cập đến báo cáo tài chính doanh nghiệp quý 3, chuyên gia VDSC nhận thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng.
Khi xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực ở mức hai chữ số trong quý 3 này.
Ở chiều ngược lại, các ngành thủy sản, bất động sản, phân bón, bán lẻ, điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, dù tốc độ tăng trưởng sẽ cải thiện so với quý trước, song VDSC cho rằng vẫn sẽ khá hạn chế. Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này.
Vì mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh từng doanh nghiệp, do vậy chuyên gia VDSC khuyến nghị nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý 3-2023 cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế được VDSC dự báo có khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý 4-2023 do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán.
Hai nhóm yếu tố mang lại tiềm năng thị trường chứng khoán sắp tới, bao gồm: kết quả kinh doanh quý 3 khi nhiều lĩnh vực nỗ lực thoát đáy; các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...