Số liệu từ Hải Quan Việt Nam cho thấy 8 tháng, xuất khẩu thanh long đạt 442 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 38% do nước này tăng trồng thanh long. Hiện sản lượng của Trung Quốc vượt Việt Nam, đồng thời giá bán cũng rẻ hơn so với hàng Việt.
Tương tự, chanh dây của Việt Nam cũng gặp khó trong xuất khẩu khi kim ngạch chỉ đạt 29,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trước đây, chanh dây tươi Việt Nam chiếm thị phần dẫn đầu tại Trung Quốc, gần đây họ giảm mua vì lượng hàng tự sản xuất tăng. Produce Report dẫn số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy mỗi năm, nước này cung ứng ra thị trường 600.000 tấn chanh dây. Ngoài ra, từ 2022 đến nay, Lào được phép xuất chính ngạch chanh dây vào thị trường này khiến cho sức mua của hàng Việt bị cạnh tranh.
Với nhãn, sản lượng hàng năm của Việt Nam trên nửa triệu tấn cũng đang dư thừa nguồn cung và liên tục bán giá rẻ khi Trung Quốc có thêm nhà cung cấp mới đến từ Campuchia. Nước này được xuất chính ngạch nhãn vào thị trường tỷ dân từ cuối năm 2022. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Campuchia cho thấy xuất khẩu nhãn tươi của họ sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm đạt hơn 8.100 tấn.
Chỉ riêng tháng 8, Campuchia đã xuất khẩu 3.250 tấn nhãn tươi sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Campuchia đang hỗ trợ nông dân để đảm bảo nhãn của họ đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Trung Quốc. Trong tháng 9, Campuchia tiếp tục vận chuyển hàng nghìn tấn nhãn sang thị trường này.
Đang có sản lượng dừa lớn và là quốc gia sản xuất dừa đứng thứ 7 thế giới, nhưng nhiều năm qua, Việt Nam vẫn chưa ký nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường tỷ dân. Trong khi đó, Campuchia - quốc gia đứng ngoài top 10 - lại "nhanh chân" hơn khi được Trung Quốc chấp nhận cho dừa tươi vào thị trường trong tháng 9.
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, chủ các đồn điền, nhà máy chế biến và nhà đóng gói của họ đang được yêu cầu đăng ký vườn cây và cơ sở. Campuchia có 17.000 ha dừa, trong đó 14.000 ha đã sẵn sàng cho thu hoạch. Năm 2022, sản lượng dừa của Campuchia đạt tổng cộng 248.000 tấn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dừa, năng lực cung ứng của Campuchia thấp hơn so với Việt Nam nhưng nếu nước này xây dựng được thương hiệu tốt và sản phẩm chất lượng cũng là một đối thủ đáng kể tại thị trường tỷ dân.
Ngoài các nông sản chủ lực trên, bơ, xoài, mít của Việt Nam cũng có nguy cơ bị tranh thị phần bởi các đối thủ lớn. Mới đây, quốc gia xếp hạng sản xuất bơ đứng thứ 15 trên thế giới là Venezuela đã được phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam - quốc gia láng giềng có sản lượng bơ lớn - nhưng chỉ đi đường tiểu ngạch với sản lượng thấp. Hay như Malaysia cũng vừa được Trung Quốc chấp thuận cho xuất khẩu chính ngạch mít sau Thái Lan và Việt Nam.
Nói với VnExpress, giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Long An cho rằng thị phần các loại trái cây thanh long, chanh dây, nhãn sẽ tiếp tục giảm mạnh khi Trung Quốc tự canh tác và nhập thêm từ nhiều quốc gia khác.
Theo ông này, mối đe dọa này đang hiện hữu khi giá các nông sản trên giảm so với cùng kỳ 2022 và nhiều năm trước đây. Điển hình như thanh long đỏ, thông thường hàng trái vụ giá sẽ rất cao khi xuất khẩu thuận lợi sang Trung Quốc. Nhưng gần đây, sản lượng sản xuất trong nước giảm, giá vẫn ở mức thấp và hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc thiếu thuận lợi. Hay như nhãn, cách đây 3 năm, trái cây này có giá thấp nhất cũng 35.000-50.000 đồng một kg, nhưng năm nay giảm một nửa so với cùng kỳ 2022.
"Những cơ sở sản xuất các loại trái cây trên phải có hướng đi riêng, nhiều nông sản cần được quy hoạch lại trong bối cảnh mới", ông nói.
Theo giám đốc xuất khẩu trái cây ở Long An, một vài loại trái cây Việt đang bị giảm thị phần ở thị trường tỷ dân nhưng nếu biết tận dụng những thuận lợi từ thị trường này, hàng Việt vẫn có cơ hội. Hiện, Việt Nam là quốc gia láng giềng có đường biên giới giáp Trung Quốc nên việc xuất khẩu đường bộ và biển khá thuận lợi với chi phí thấp hơn nhiều các quốc gia khác. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng, thì các sản phẩm từ những đối thủ trên khó cạnh tranh lại với hàng Việt.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng trong thách thức vẫn có nhiều cơ hội. Việt Nam nên quy hoạch lại các vùng trồng thanh long, chanh dây để kiểm soát chất lượng và định hướng đầu ra.
Riêng với xoài và mít, theo ông Nguyên, hàng Việt giá luôn tốt hơn các quốc gia khác vì chi phí trồng trọt thấp. Trong khi đó, tại Philippines, Ai Cập chi phí trồng cao, vận chuyển khoảng cách xa hơn so với hàng Việt.
Với mặt hàng bơ, nếu quả này được xuất chính ngạch, giá trị rau quả Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao và là đối thủ lớn của Venezuela tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài tập trung vào thị trường tỷ dân này, ông Nguyên cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng là những quốc gia đang chuộng loại quả này của Việt Nam, nên cần tìm cơ hội.
Thi Hà