Chiều 7-10, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, sáng kiến tiêu biểu trong Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Có những sáng kiến đem lại lợi ích hàng trăm tỉ đồng
Theo ông Trần Thanh Hải - phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình này là hoạt động thi đua quan trọng nhất của các cấp công đoàn chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Qua chương trình, nhiều đề tài khoa học, giải pháp, cải tiến, ứng dụng tiến bộ đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm, khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam.
“Có sáng kiến làm lợi trên 500 tỉ đồng. Nhiều sáng kiến làm lợi trên 100 tỉ đồng. Số sáng kiến làm lợi trên 30 tỉ đồng là rất nhiều. Con đường sáng tạo là con đường phát triển ngắn nhất. Doanh nghiệp đặt niềm tin vào người lao động sẽ thu được nhiều kết quả” - ông Trần Thanh Hải cho biết.
Được biết, nhiều nhóm tác giả có sáng kiến thuộc nhóm "sáng kiến trên 100 tỉ đồng" đến từ Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (có 2 sáng kiến, mỗi sáng kiến làm lợi trên 200 tỉ đồng), Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội.
'Quả ngọt' từ quan tâm người lao động
Tại tọa đàm, một lãnh đạo doanh nghiệp người Nhật chia sẻ công ty luôn quan tâm đến sức khỏe người lao động cũng như ủng hộ cải tiến, sáng kiến của công nhân, kỹ sư. Ông đánh giá những việc rất nhỏ như bố trí cây nước làm mát vào mùa hè, cây nước ấm vào mùa đông giúp người lao động yên tâm, cống hiến, sáng tạo trong công việc.
Bên cạnh đó, đại diện một công ty điện tử FDI của Hàn Quốc cho biết đến tháng 9-2023, đơn vị có xấp xỉ 60.000 sáng kiến, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đến khách hàng toàn cầu.
“Hằng năm chúng tôi đều phải đưa ra mẫu mã chiến lược. Do vậy, thời gian thử nghiệm sản xuất và công bố đến khách hàng rất ngắn. Hiểu điều đó, lãnh đạo công ty rất ủng hộ sáng kiến của nhân viên. Còn với người lao động, chính các bạn hiểu được công việc, quy trình cần cải thiện, sáng tạo ra sao.
Các bạn cần mạnh dạn báo cáo các cấp quản lý để giải quyết những vấn đề tồn đọng. Công ty tôi có một số buổi chia sẻ cải tiến giữa các bộ phận, từ đó các cải tiến tốt, mô hình hay được các nhà máy trên toàn cầu thử nghiệm”, vị này chia sẻ.
Theo thống kê của các cấp công đoàn, hết ngày 31-8, hơn 2,4 triệu sáng kiến tham gia chương trình. Trong đó, khoảng 2 triệu sáng kiến hợp lệ, đạt 203% chỉ tiêu. Nội dung đa dạng như tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, tăng cường an toàn vệ sinh lao động...
Tổng giá trị làm lợi của những sáng kiến này ước tính trên 33.000 tỉ đồng.
Có những sáng kiến tưởng chừng nhỏ thôi song giá trị làm lợi, tiết kiệm cho đơn vị khi tính ra những con số khiến nhiều người bất ngờ. Và nhiều công nhân, người lao động tại TP.HCM vẫn âm thầm mày mò, sáng kiến từ thực tiễn công việc hằng ngày.