51,3 triệu lao động có việc làm trong quý 3 năm 2023
Theo báo cáo, trong quý III/2023, số người trong độ tuổi lao động có việc làm tiếp tục tăng, giảm tối đa tình trạng thất nghiệp. Điều này cho thấy dấu hiệu kinh tế trong nước đang có dấu hiệu phục hồi.
Nhìn chung tình trạng lao động thất nghiệp là mối lo của không ít người khi mà tình hình kinh tế trong nước và thế giới liên tục chuyển biến. Tuy nhiên, theo báo cáo thì trong quý III/2023, lực lượng lao động, số lao động có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Theo đó, trong quý III/2023 đã có 51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 87,4 nghìn người so với quý II và tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, độ tuổi lao động được tính từ 15 tuổi trở lên. Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,9%; Công nghiệp chiếm 33,33%; Các ngành dịch vụ khác ước đạt 39,77%.
Con số lao động có việc làm quý III/2023 đã thể hiện được sự khởi sắc của nền kinh tế, rất nhiều người kỳ vọng con số này sẽ tăng cao trong quý cuối của năm 2023. Để tránh tình trạng thất nghiệp, người lao động cũng nên nâng cao tay nghề, sự chuyên nghiệp trong quá trình làm việc.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Báo Nhân Dân dẫn nguồn Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm.
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 922,4 nghìn người, giảm 105 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,02%, giảm 0,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỉ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,60%, giảm 0,15 điểm phần trăm; tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,28%, giảm 0,35 điểm phần trăm.
Thu nhập bình quân của người lao động
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2023 là 7,1 triệu đồng, tăng 146 nghìn đồng so với quý II/2023 và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống của người lao động quý III năm nay được cải thiện chậm. Nếu như quý III/2022 thị trường lao động đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động lên tới 30,1% so với quý III/2021.
Đáng chú ý, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất. Trong quý này, thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng là 8,4 triệu đồng, tăng 6,1% (tương ứng tăng 485 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc tại tỉnh Thái Nguyên là 7,3 triệu đồng, tăng 15,6% (tương ứng tăng 979 nghìn đồng); tại Thành phố Hà Nội là 9,9 triệu đồng, tăng 9,7% (tương ứng tăng 873 nghìn đồng). Riêng tại Bắc Ninh, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm 3,8% (tương ứng giảm 328 nghìn đồng).
Bên cạnh đó trong Quý III/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,8 triệu đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong các vùng của cả nước. Thu nhập bình quân của lao động làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh là 9,3 triệu đồng, tăng 0,6% (tăng 56 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm trước; tại Đồng Nai là 8,7 triệu đồng, tăng 1,8% (tăng 155 nghìn đồng).
Thông tin thêm trên báo Lao Động so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III tại ba khu vực kinh tế đều tăng; trong đó, khu vực dịch vụ ghi nhận tốc độ tăng cao nhất.
Xuất khẩu lao động sớm "cán đích" sớm
Theo số liệu của Bộ LĐTBXH, trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động đạt kết quả tích cực, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ) đạt 101,37% kế hoạch năm 2023.
Như vậy, xuất khẩu lao động đã "cán đích" sớm mục tiêu của cả năm 2023 là đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 9 tháng, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động).
Trúc Chi (t/h)