NƯỚC THẢI ĐỔ THẲNG RA KÊNH
Tháng 4.2015, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài gần 7 km chảy qua 3 quận (6, 11 và Tân Phú) hoàn thành, người dân thoát khỏi cảnh nhà cửa xập xệ, rác vứt bừa bãi, ngập nước khi triều cường hay mưa lớn. Thế nhưng, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn bởi nước thải sinh hoạt vẫn đổ trực tiếp ra kênh vì cả lưu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải.
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất hơn 2,9 triệu m3/ngày vào năm 2020 và nâng công suất lên gần 3,1 triệu m3/ngày vào năm 2030. Thế nhưng đến nay, toàn TP chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế 644.000 m3/ngày, tương đương 22% công suất theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020. Trong đó, chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung: Bình Hưng, Bình Hưng Hòa và Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1 (131.000 m3/ngày), 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư có quy mô nhỏ đặt ở Q.7, H.Bình Chánh và TP.Thủ Đức với tổng công suất 14.200 m3/ngày.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong hơn 20 năm qua, các nhà máy xử lý nước thải đô thị xây dựng chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ODA và kêu gọi đầu tư. Đơn cử như nhà máy Bình Hưng có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, hay nhà máy Bình Hưng Hòa từ nguồn vốn hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ. Một dự án khác đang xây dựng là nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000 m3/ngày có tổng mức đầu tư 524 triệu USD, trong đó vốn ODA Nhật Bản là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng ngân sách TP. Khi dự án này hoàn thành vào năm 2025, tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải đạt khả năng xử lý 71% nhu cầu.
Mới đây, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy và nâng công suất 1 nhà máy. Tổng mức đầu tư của 7 dự án này lên đến 31.650 tỉ đồng, chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải và trạm bơm chuyển tiếp tại một số lưu vực.
CHUẨN BỊ QUỸ ĐẤT KÊU GỌI ĐẦU TƯ
Dẫn đầu danh sách là xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 10.360 tỉ đồng. Nhà máy dự kiến xây dựng trên khu đất 36 ha ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, công suất 680.000 m3/ngày sẽ thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực Bình Tân, lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, góp phần cải thiện môi trường khu vực. Chỉ khi nhà máy vận hành, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm mới có thể trong xanh.
Kế đến là dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 ở P.An Phú Đông, Q.12, giải quyết nước thải sinh hoạt các quận Bình Thạnh, Gò Vấp và 12 với khoảng 1 triệu người được hưởng lợi. Các dự án còn lại như Nam Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa và Tây Bắc góp phần hoàn thiện mạng lưới xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn TP.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, hiện có một số nhà đầu tư quan tâm, được TP giao lập đề xuất dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Khó khăn lớn nhất trong việc thu hút đầu tư đối với việc kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải là chưa có đất xây dựng nhà máy. Cụ thể, ngoài nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân (nhà máy Bình Hưng Hòa hiện hữu) có mặt bằng thì 6 nhà máy còn lại đều chưa có mặt bằng, khi xây dựng nhà máy phải thu hồi đất.
Do đó, để huy động các nguồn vốn cả trong và ngoài nước, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM giao Sở KH-ĐT tham mưu văn bản kiến nghị Bộ KH-ĐT bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 7 nhà máy này. Song song đó, Sở TN-MT phối hợp các sở ngành và 6 địa phương (TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân, H.Nhà Bè, H.Hóc Môn, H.Củ Chi) rà soát quỹ đất, cắm mốc ranh đất tại các vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải; đồng thời, tham mưu UBND TP.HCM thực hiện dự án bồi thường, thu hồi đất để chuẩn bị sẵn quỹ đất thu hút đầu tư.