Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam, dư luận hết sức bất ngờ bởi nhiều nội dung độc hại liên quan đến trẻ em.
Vậy biện pháp, công cụ nào để bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Làm thế nào để phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp độ tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em?
Dấy lên lo ngại về thế hệ tương lai
Anh Trần Hữu Nhân - chuyên gia kỹ thuật dữ liệu và học máy của Tập đoàn One Mount - cho rằng các nền tảng giải trí (YouTube, TikTok), mạng xã hội (Facebook)... đều rất ưa chuộng thuật toán Recommendation Systems (hệ thống gợi ý) để thu hút và giữ chân người dùng.
Cơ chế của thuật toán này dựa trên hành vi của người dùng để "hiểu" được "khẩu vị" của người này, sau đó sẽ "gợi ý" những sản phẩm tương tự lên màn ảnh. "Việc này giúp ta tiếp cận "thứ" mà ta thích (thể loại nhạc, phim, hình ảnh...).
Tuy nhiên, nếu đơn vị sở hữu thuật toán này cố ý sử dụng sai mục đích thì hậu họa rất nghiêm trọng", anh Nhân nói.
Theo anh Trần Hữu Nhân, sự tinh vi của thuật toán này là nó tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể, nếu phụ huynh không được trang bị đầy đủ kiến thức thì rất đáng quan ngại.
Trần Hữu Nhân chia sẻ thêm ở lứa tuổi trẻ em, nhà trường là nơi các em tương tác với bạn bè đồng trang lứa, cũng là nơi mà "các nạn nhân cùng chung khẩu vị và sở thích" được thuật toán nhắm đến.
Thông qua đó, "các nội dung độc hại trên nền tảng công nghệ (TikTok) sẽ lan truyền nhanh hơn cả đại dịch, tác động trực tiếp đến một thế hệ tương lai của đất nước".
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - cho hay các bạn trẻ xem và tham gia xây dựng nội dung trên nền tảng TikTok rất đông đảo.
Trong đó, nhiều em chưa có trải nghiệm lẫn kiến thức xã hội, tâm lý lứa tuổi lại đang muốn khám phá bản thân, dễ bị tác động, lôi kéo.
Nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực như chểnh mảng học hành, nhận thức lệch lạc.
Thậm chí có hành vi lệch chuẩn, vượt quá phạm vi quản lý của xã hội và gia đình, bắt chước những hành vi phản cảm, thử thách nguy hiểm tới bản thân cũng như cộng đồng.
"Từ đó dấy lên mối lo ngại về một bộ phận thế hệ tương lai không cống hiến, không lập thân, không lập nghiệp, không biết đủ sức xây dựng, đóng góp gì cho xã hội", ông Đỗ Cảnh Thìn bày tỏ.
Việc đầu tiên là chấn hưng văn hóa mạng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên Đặng Vũ Cảnh Linh chia sẻ nhiều bạn trẻ mong có quy chuẩn hoặc phương thức về ứng xử trên mạng được truyền thông cho thanh niên, mong các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các nền tảng (không riêng gì TikTok) để đảm bảo sự an toàn cho người dùng.
Ông cho biết việc thanh lọc không gian mạng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Chúng ta phải vào cuộc một cách quyết liệt, nhất là trong bối cảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang bàn chuyện chấn hưng văn hóa.
"Một trong những điều cần chấn hưng đầu tiên đó là văn hóa mạng bởi sự ảnh hưởng của nó là hằng ngày, hằng giờ tới tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước", ông Linh đặt vấn đề.
Theo ông Linh, pháp luật phải vào cuộc một cách mạnh mẽ. Chúng ta không thể nói với nhau một cách chung chung.
Quy định phải rõ ràng, rõ trách nhiệm, để làm sao vừa kết hợp luật pháp quốc tế vừa phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam. Những nhà sáng tạo nội dung cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu làm được như vậy, môi trường mạng sẽ lành mạnh hơn.
"Phải từng bước hoàn thiện chính sách để quản lý tốt hơn", ông Đỗ Cảnh Thìn nói thêm. Đồng thời, phải có biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, giáo dục... nâng cao nhận thức của người dùng, có chế tài xử lý các nhà cung cấp nền tảng thiếu trách nhiệm.
Cũng phải sử dụng cả những giải pháp công nghệ, cảnh báo sớm, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn lây lan những tác động tiêu cực. Ngoài ra, cần lập hồ sơ xử lý những đối tượng vi phạm, sử dụng mạng vào mục đích phạm tội.
Sao không kiểm soát thuật toán?
Tuy nhiên, theo chuyên gia Trần Hữu Nhân, để "thanh lọc" không gian văn hóa mạng nói chung và TikTok nói riêng là điều khó khăn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là một nước phát triển khá nhanh với lượng sử dụng dữ liệu tăng vọt những năm gần đây.
"Việc thanh lọc toàn bộ nội dung trên mạng là không thể, nhất là khi có rất nhiều dịch vụ livestream, tương tác gần như là ngay lập tức; nguồn lực để thanh lọc sẽ tốn kém gấp trăm lần so với doanh thu mà các mạng xã hội này đạt được", anh đánh giá. Anh Trần Hữu Nhân gợi ý: "Thay vì chúng ta cố gắng kiểm soát nội dung, sao chúng ta không kiểm soát thuật toán?".
Anh Trần Hữu Nhân diễn giải: mã nguồn của các đơn vị cung cấp mạng xã hội nói chung và có sử dụng thuật toán nói riêng, cần cung cấp cho cơ quan kiểm soát cụ thể (ví dụ, một tổ chức công nghệ của Nhà nước lập ra) để kiểm soát nội dung, cũng như đánh giá mức độ nguy hại tiềm ẩn trong việc sử dụng thuật toán.
Hai là, mọi đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, hoặc các dịch vụ công nghệ có người dùng là người Việt Nam, cần có văn phòng đại diện tại Việt Nam, cần có pháp nhân cụ thể để phối hợp với các cơ quan điều tra công nghệ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, anh Nhân cũng đề xuất cần có quy trình, quy định, thỏa thuận sử dụng, lưu trữ dữ liệu người dùng phù hợp với pháp luật Việt Nam. "Quan trọng nhất, cần có bộ luật riêng dành cho các đối tượng, sự kiện, cũng như chủ đề về công nghệ nói chung", anh nói.
Bố mẹ không cai TikTok thì đừng khuyên con!
Người Đức có một câu rất hay: "Quả táo rơi không xa khỏi gốc cây". Thay vì bảo vệ và phòng độc cho con khỏi những cám dỗ cũng như những sức hút của TikTok, không ít phụ huynh cũng mê mải trong đó. Bố mẹ không thể "cai nghiện" TikTok thì đừng khuyên con gì cả.
Về tâm lý, trẻ em bao giờ cũng tò mò. Lại quá dễ, chỉ cần đăng nhập TikTok, bắt gặp bao nhiêu điều cuốn hút các em. TikTok hay những nền tảng mạng xã hội khác đều có mặt tốt lẫn xấu. Nhưng thường thì các em học cái dở, cái xấu nhanh hơn cái tốt, cái đẹp.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Có nên cấm TikTok tại Việt Nam?
Hiện TikTok là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới. Nhiều nước như Ấn Độ, Canada, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch, New Zealand... đang cấm ứng dụng này vì lo ngại về rủi ro an ninh mạng. Vậy có nên cấm TikTok tại Việt Nam?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chuyên gia Trần Hữu Nhân nhấn mạnh thuật toán chỉ là công cụ vô tri. Nó là "cái cuốc" hay "cây súng" thì tùy vào việc người sử dụng. "Chúng ta không nên "sợ" công nghệ mà nên kiểm soát đơn vị sở hữu công nghệ", anh nói.
Còn theo bà Nguyễn Phương Hoa (ĐH Quốc gia Hà Nội), bên cạnh những tác động tiêu cực, TikTok vẫn có nhiều nội dung tích cực, truyền năng lượng tốt cho cộng đồng. Bà Hoa không ủng hộ việc "không quản lý được thì cấm".
Đồng tình, ông Đỗ Cảnh Thìn cho rằng cấm TikTok thì sẽ có một TikTok khác ra đời. Việc cấm đi ngược lại xu thế phát triển. Thay vì cấm, nên có những biện pháp để quản lý tốt hơn.
Anh Trần Hữu Nhân đề cao tính chủ động hơn. Theo anh, giáo dục phải là yếu tố đi đầu. "Nên cập nhật kiến thức công nghệ vào danh sách các môn bắt buộc cho trẻ em khi các em còn ngồi ở ghế nhà trường. Với các em nhỏ hơn (mẫu giáo, mầm non) thì cập nhật kiến thức cho phụ huynh", anh đề xuất.
Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm... cần được nghiên cứu làm rõ cách thức, trách nhiệm của từng chủ thể, người phát hành quảng cáo và các cơ quan liên quan.