Danh sách được công bố trên trang web của Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9-2023 cho thấy Nga cùng với Albania và Bulgaria là các ứng viên khu vực Đông Âu cho cuộc bỏ phiếu kín bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026.
Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 10-10 tới, chưa đầy một tuần sau khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên án vụ tấn công được cho là gây ra bởi "tên lửa Nga" nhắm vào ngôi làng Hroza ở vùng Kharkov, Ukraine, khiến 52 người thiệt mạng.
Trong tuyên bố nêu rõ lập trường gửi tới Liên Hiệp Quốc, Nga coi Hội đồng Nhân quyền là "cơ quan chủ chốt trong hệ thống của Liên Hiệp Quốc". Matxcơva cũng tin rằng điều quan trọng là phải ngăn chặn xu hướng biến hội đồng này thành "công cụ phục vụ ý chí chính trị" cho một nhóm quốc gia.
18 tháng trước, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền. Khi đó, Nga đã lên tiếng chỉ trích và đồng thời tuyên bố Matxcơva sẽ rời khỏi cơ quan này.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị không nêu tên nói với Hãng tin AFP rằng họ hy vọng các thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ "kiên quyết bác bỏ sự ứng cử phi lý" của Nga, cho rằng Nga đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nhấn mạnh quan điểm của Kiev là Nga không nên được phép tái gia nhập cơ quan này.
Theo AFP, cuộc bỏ phiếu ngày 10-10 tới có thể sẽ làm "sáng tỏ hơn về một thế giới đang bị chia cắt", trong đó một số nước đang phát triển ngày càng mệt mỏi khi phương Tây tập trung liên tục vào Ukraine.
Nga cần 97/193 phiếu tại Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có 47 thành viên, mỗi thành viên giữ nhiệm kỳ 3 năm. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu ngày 10-10 tới sẽ bầu ra 15 thành viên mới vào hội đồng cho nhiệm kỳ 2024-2026.
47 thành viên được cơ cấu theo nhóm vùng quốc gia, theo đó 3 ứng viên Đông Âu là Nga, Bulgaria và Albania sẽ giành 2 ghế trong hội đồng.
Để được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, một quốc gia cần có được 97/193 phiếu bầu của các thành viên Liên Hiệp Quốc.
Chính phủ Nga tháo dỡ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel thông qua đường ống dẫn tại các cảng, xóa bỏ một loạt giới hạn đưa ra từ hôm 21-9.