Cột mốc kỷ lục
Theo hãng tin RT, trong tháng 9/2023, nhu cầu về xe con (ô tô con) mới ở Nga đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong hai tháng liên tiếp (tính cả tháng 8), doanh số bán xe đã vượt 100.000 chiếc/tháng - đạt tới mức cao như trước thời kỳ khủng hoảng.
Dữ liệu do cơ quan phân tích Autostat của Nga công bố ngày 4/10 cho biết, trong tháng 9, có 110.400 xe mới đã được tiêu thụ ở Nga. Đây là doanh số bán cao nhất đạt được kể từ tháng 1/2022. Trước đó, trong tháng 8, doanh số bán xe mới ở Nga đạt 109.731 chiếc.
"Doanh số tháng 9 chỉ cao hơn 0,6% so với tháng 8 nhưng cao hơn 2,5 lần so với tháng 9 năm ngoái. Đồng thời, doanh số bán đã hai tháng liên tiếp vượt mốc 100.000 chiếc/tháng, đây là kỷ lục kể từ tháng 1/2022, tức là trong gần hai năm qua" - Báo cáo của Autostat cho hay.
Các chuyên gia cho rằng điều này là do hoạt động tiêu dùng trong nước đã phục hồi, bên cạnh đó là sự xuất hiện ồ ạt của xe Trung Quốc tại Nga. Hiện nay, trong số các ô tô mới được bán ở Nga, tổng tỷ lệ các mẫu xe ngoại đến từ Trung Quốc và các mẫu xe nội địa của Nga đạt gần 90%, tăng hơn 60% so với hai năm trước.
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong năm nay, tổng doanh số bán ô tô mới ở Nga sẽ vượt trên 1 triệu chiếc.
Tháng trước, mẫu Lada một lần nữa trở thành mẫu xe bán chạy nhất ở Nga. Tổng cộng người dân Nga đã mua gần 35.000 xe của thương hiệu này. Xếp sau lần lượt là các mẫu xe Trung quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu tính từ đầu năm cho tới hết tháng 9/2023, doanh số bán xe con mới ở Nga đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2022 và đạt trên 717.000 chiếc.
Mức tăng trưởng đáng chú ý cũng được ghi nhận ở thị trường thứ cấp với các xe con đã qua sử dụng. Kể từ đầu năm cho tới hết tháng 9, hơn 4,3 triệu xe cũ đã được tiêu thụ tại Nga. Con số này cao hơn gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tất cả là do nhu cầu bị dồn nén lâu ngày. Nhiều người đã từ bỏ ý định mua xe mới khi các thương hiệu nước ngoài bắt đầu rời khỏi Nga và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đóng băng, cũng như tái cơ cấu. Hiện tại, mặc dù tỷ giá hối đoái cao nhưng tình hình nhìn chung đã ổn định. Do vậy, người dân bắt đầu ồ ạt mua xe trở lại" - Ông Artyom Deev, người đứng đầu bộ phận phân tích tại AMarkets, nói với RT.
Ô tô Trung Quốc 'lên ngôi'
Các chuyên gia cho biết, sự phục hồi của thị trường xe mới ở Nga một phần là do tỷ trọng doanh số bán ô tô Trung Quốc tại nước này tăng mạnh. Năm ngoái, các hãng xe Trung Quốc bắt đầu tự tin thay thế các đối thủ đã rời khỏi Nga.
Kết quả đã cho thấy sự thay đổi lớn. Nếu đầu năm 2022, các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm 9% số lượng xe con mới bán ra ở Nga, thì tới cuối tháng 9/2023, tỷ lệ này đã tăng lên 53%. Tỷ trọng của các thương hiệu xe Nga đã tăng từ 20% lên 34%, trong khi sự hiện diện của các mẫu xe châu Âu giảm từ 28% xuống 3%, Hàn Quốc từ 23% xuống 4%, Nhật Bản từ 18% xuống 4%. Các mẫu xe Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ ổn định là 1%.
Xét theo xu hướng hiện tại thì tỷ trọng doanh số bán hàng của ngành ô tô Trung Quốc tại thị trường Nga nhiều khả năng sẽ đạt 60%. Trong cuộc phỏng vấn với RT, chuyên gia Igor Morzharetto - đối tác của Avtostat cho hay:
"Ô tô Trung Quốc, đặc biệt là xe thế hệ mới nhất, có cấu hình tương đương với các xe thương hiệu châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất nhiên, vẫn khó có thể nói chắc những chiếc xe này sẽ hoạt động bền tới đâu sau thời gian dài sử dụng, như 10 năm chẳng hạn, nhưng xét về mức độ trang bị, đặc tính kỹ thuật, các thông số thì chúng mang tính cạnh tranh khá cao so với các thương hiệu khác" - Ông Morzharetto cho hay.
Alexey Mukhanov, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phân tích khách hàng tại Avto.ru, cũng có quan điểm tương tự. Theo ông, về lâu dài, các công ty Trung Quốc rất có thể sẽ giành được chỗ đứng vững chắc ở Nga và điều này không chỉ do tình hình địa chính trị đang chuyển biến theo hướng có lợi cho họ.
"Nhìn chung, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng ra toàn cầu: Sự cạnh tranh giữa các mẫu xe đến từ Trung Quốc và các thương hiệu nổi tiếng đang gia tăng, kể cả ở các thị trường địa phương. Ví dụ tại Đức, vấn đề hạn chế nhập khẩu ô tô Trung Quốc đang được thảo luận sôi nổi, bởi xe Trung Quốc có công nghệ tiên tiến, giá cả phải chăng và có thể đã chiếm một thị phần nhất định tại Đức, đáp ứng nhu cầu của một số nhóm người mua nhất định" - Ông Mukhanov lý giải.