Kết quả khả quan
Theo SCMP, Trung Quốc mới đây đã có vụ thu hoạch lần thứ 2 đối với “giống lúa khổng lồ biến đổi gen”. Được biết, lúa được trồng ở một vùng núi có đất cằn cỗi nhưng thu về kết quả khả quan hơn dự định. Bắc Kinh ca ngợi thành tựu này là sự tiến bộ trong nỗ lực tăng cường an ninh lương thực trong bối cảnh giá gạo toàn cầu tăng cao.
Tân Hoa Xã hôm 6/10 cho biết giống lúa do Trung Quốc tự phát triển có năng suất cao, cao gấp đôi so với lúa thường. Các cánh đồng trồng thử nghiệm giống lúa này nằm ở huyện Sanzhou, tỉnh Quý Châu, Tây Nam, Trung Quốc. Những đoạn video về loại lúa cao hơn đầu người đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và khiến không ít người bất ngờ.
Theo một cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã với một nông dân địa phương tình nguyện trồng giống lúa thử nghiệm, năng suất lúa đạt mức 12,6 tấn/ha trong điều kiện đất đai cằn cỗi. Con số này đánh dấu mức tăng 5% so với 12 tấn/ha hồi năm ngoái.
Tân Hoa Xã cho biết vụ thu hoạch lúa khổng lồ trong điều kiện như vậy có “ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao sản lượng lương thực và đảm bảo an ninh lương thực”. Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực tăng sản lượng lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những biến động trong chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị leo thang – tất cả đều đe dọa tới an ninh lương thực. Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi nông nghiệp là “vấn đề an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng”.
Giống lúa khổng lồ này được Viện Nông nghiệp cận nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phát triển vào năm 2017. Theo viện nghiên cứu, thân cây của nó có thể cao tới khoảng 2 mét và có khả năng chống chịu sâu bệnh và lũ lụt tốt hơn lúa thường.
Tờ Nhật báo kinh tế Trung Quốc dẫn lời nhà nghiên cứu chính của Viện, Xia Xinjie, cho biết giống lúa khổng lồ chịu mặn này cũng có thể đóng vai trò là môi trường sống tự nhiên cho một số loài thủy sản nông nghiệp, giúp tăng độ phì nhiêu của đất và giảm sử dụng phân bón hóa học. Năm ngoái, giống lúa khổng lồ đã được trồng ở 22 vùng trên khắp Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Hải Nam, Hắc Long Giang, Quảng Đông và thành phố Trùng Khánh.
Hạt giống của tương lai
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hồi tháng 4 tuyên bố sẽ tăng xuất khẩu gạo lên 24% trong thập kỷ tới - một động thái có thể ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều gạo.
Giá gạo toàn cầu đã cao hơn trong những tháng gần đây, do hạn chế xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu chính như Ấn Độ, trong khi những bất ổn liên quan đến khí hậu và xung đột quốc tế đã gây ra mối lo ngại về sự ổn định trên thị trường.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, giá gạo toàn cầu trong tháng 9 đã tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Jauhar Ali, nhà nghiên cứu và người đứng đầu đơn vị công nghiệp lúa lai tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines, nói với SCMP rằng đã đến lúc lúa lai phải được công nhận là một cách để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Theo IRRI, các giống lúa lai được tạo ra khi hai cây lúa giống khác nhau về mặt di truyền được lai tạo với nhau, truyền lại một loạt đặc điểm cho cây lúa đời sau. Trong một chu kỳ nhân giống, các tính trạng tốt có thể được giữ lại và lựa chọn.
Điều này khác với lúa biến đổi gen, trong đó các gen ngoại lai được đưa vào cây giống thông qua phương pháp can thiệp kỹ thuật. Vào năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết việc khôi phục ngành hạt giống của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc “đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp quan trọng”.
Lúa lai là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh kể từ khi những giống đầu tiên được Yuan Longping, “cha đẻ của lúa lai” phát minh vào những năm 1970. Ông Ali cho biết hầu hết các giống lai trên toàn thế giới đều được phát triển từ các thành phần của giống lúa Trung Quốc.
Ông nói rằng mặc dù Trung Quốc có lịch sử lâu đời về lúa lai nhưng tỷ lệ lúa lai được trồng ở nước này vẫn trì trệ ở mức khoảng 55% do chi phí trồng trọt ngày càng tăng.
Theo IRRI, các giống lúa lai có thể cho năng suất cao hơn từ 15% đến 20% so với lúa thường trong điều kiện canh tác thông thường. Thậm chí, một số giống có thể mang năng suất cao hơn tận 30%, theo các thống kê gần đây.
Nhược điểm của lúa khổng lồ
Tuy nhiên, lúa khổng lồ vẫn có những rủi ro nhất định. Ông Ali cho biết mặc dù giống lúa Trung Quốc có thể có kích thước khổng lồ, nhưng điều quan trọng là liệu kích thước này có tỉ lệ thuận với số lượng hạt tăng thêm hay không. Việc tăng chiều cao của cây có thể đi kèm với những thách thức như vòng đời cây dài hơn và tăng mức sử dụng tài nguyên như dinh dưỡng và nước.
Tháng 10 năm ngoái, China Daily đưa tin một nông dân trồng lúa khổng lồ mang lại năng suất gấp 1,5 lần so với lúa thông thường. Ông Ali cho biết nếu điều này có thể được nhân rộng, nó có thể là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”.
Theo Ali, khí hậu có thể đặt ra thách thức đối với việc áp dụng giống này trên toàn cầu vì nhiều giống lai được tạo ra để phát triển ở các khu vực ôn đới nên rất khó để thích nghi với vùng nhiệt đới. Nhưng nếu giống lai này có thể phát triển trong khi vẫn giữ được lợi thế về năng suất ở vùng nhiệt đới thì việc nó được áp dụng sẽ là điều hiển nhiên – ông Ali nhận định.
Công nghệ lai hiện nay chú trọng vào việc sản xuất loại gạo có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu và các trung tâm phát triển giống lai như IRRI tập trung vào các giống lúa có thể chịu được nhiệt độ nhiệt đới, độ mặn, hạn hán và lũ lụt.
Ali cho biết các giống đang được sản xuất có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp giảm lượng khí thải mêtan và giảm sử dụng tài nguyên.
Ông cho biết, một trở ngại khác đối với việc áp dụng các giống lai là một số quốc gia nhận thấy nhập khẩu gạo rẻ hơn so với trồng lúa, điều đó khiến họ tập trung vào trồng các loại cây trồng có lợi ích kinh tế hơn. Ông Ali dự đoán rằng mặc dù việc áp dụng rộng rãi các giống lai có tiến độ khá chậm, nhưng “khi khủng hoảng lương thực xảy ra, việc sử dụng lúa lai sẽ lan rộng” vì lợi thế đáng kể về năng suất.
Tham khảo SCMP