Trước lễ khai mạc, Hãng tin Reuters đăng tải bài viết gây ra nhiều dư luận trái chiều ở Trung Quốc với quan điểm Asiad 19 là một kỳ đại hội quá tốn kém.
Không cần phải lo cho Trung Quốc
Trong bài viết, John Yan - người sáng lập công ty truyền thông Trung Quốc Score Sports - trả lời khi được phỏng vấn: "Sau 3 năm chìm trong đại dịch, bầu không khí kinh tế và xã hội Trung Quốc đang xuống thấp, Asiad 19 sẽ chỉ là một dự án đốt tiền. Mọi người đang bận tâm về cuộc sống nên Asiad 19 không nằm trong danh sách mối quan tâm hàng đầu của họ".
Áng mây hoài nghi che phủ khi Chính phủ Trung Quốc không công khai ngân sách đăng cai Asiad 19. Đã có quá nhiều bài học về những kỳ đại hội thể thao lãng phí trong quá khứ, khi nước chủ nhà chi quá nhiều cho công tác tổ chức và không thể thu hồi về những giá trị kinh tế tương đương.
Trong một thông báo, chính quyền thành phố Hàng Châu đã chi hơn 200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 30 tỉ USD) cho việc xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng, các sân vận động giai đoạn năm 2015-2020.
Wu Lili, một chủ doanh nghiệp thương mại điện tử ở Hàng Châu, còn nói: "Ấn tượng của tôi là chỉ trong một năm qua, toàn bộ thành phố Hàng Châu đã được tái xây dựng. Có một câu nói đùa trên mạng thế này: khi ban tổ chức Asiad gặp một chú chó trên đường, họ cũng sẽ đem nó đi sơn phết lại".
Nhưng mặt khác, cũng rất nhiều doanh nghiệp và người dân Hàng Châu háo hức hướng đến Asiad 19. Chính phủ Trung Quốc đã có tính toán kỹ về việc dùng Hàng Châu làm bước đệm cho kinh tế và du lịch sau khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng đại dịch.
Cụ thể nhất là "tuần lễ vàng" - kết hợp giữa Tết Trung Thu và lễ Quốc khánh, giúp người Trung Quốc có đến 8 ngày nghỉ giai đoạn 29-9 đến 5-10. Và đó cũng là khoảng thời gian hấp dẫn nhất của Asiad 19. "Tuần lễ vàng" kết hợp giữa Trung thu, Quốc khánh Trung Quốc và Asiad 19 hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế Hàng Châu trong khoảng thời gian này.
Jules Boycoff, một nhà khoa học chính trị ở Mỹ, nhận định: "Khi có nhiều sự hoài nghi từ phương Tây hướng về Trung Quốc, Asiad 19 là cơ hội để đưa ra những gì tốt nhất ở đây đối với du khách quốc tế".
Đẳng cấp về chuyên môn
Với các vị khách quốc tế, sự tiếp đãi và chất lượng của đại tiệc thể thao này mới là điều đáng quan tâm. Nhìn từ phương diện này, câu khẩu hiệu "kỳ Asiad tốt nhất" mà chủ nhà Hàng Châu đưa ra không hề là quá lời.
Từ sau buổi lễ khai mạc, người hâm mô khắp châu lục đã biết đến tầm vóc của kỳ Asiad 19, khi chủ nhà Trung Quốc dành ra những công nghệ tiên tiến bậc nhất cho Hàng Châu 2022.
Đi cùng với đó là sự chu đáo với điều kiện ăn ở, đi lại cùng các địa điểm thi đấu "không có gì để chê" dành cho các VĐV.
Thành phố được xem là kiểu mẫu Hàng Châu lại càng phù hợp với tiêu chí xanh, sạch, đẹp của ban tổ chức Asiad 19. Xuyên suốt kỳ đại hội, du khách hầu như không gặp phải một mảng tối nào ở Hàng Châu.
Về chuyên môn, Trung Quốc khiến cả châu lục choáng ngợp khi giành đến 201 HCV - chiếm gần phân nửa của tổng số 481 nội dung thi đấu.
Nhưng không giống như Asiad 18, nơi Indonesia giành gần phân nửa số HCV bằng môn võ truyền thống pencak silat, hầu hết chiến tích của các VĐV Trung Quốc năm nay đều khiến cả châu lục phải trầm trồ.
19 trong tổng số 201 HCV đó của nước chủ nhà nằm ở điền kinh, và 28 nằm ở môn bơi lội. Đó là chưa kể đến 10 HCV thể dục dụng cụ, 16 HCV bắn súng, 6 HCV bóng bàn…
Đó đều là những môn thể thao quan trọng của Olympic và nước chủ nhà cũng không có được lợi thế rõ rệt. Asiad 19 trở thành một lời khẳng định của Trung Quốc, cho thấy cả thế giới lúc này chỉ thể thao Mỹ là có thể đánh bại họ.
Thống kê cho thấy có đến 15 kỷ lục thế giới, 28 kỷ lục châu Á và 150 kỷ lục Asiad đã bị phá ở Hàng Châu 2022. Con số này cao hơn đáng kể so với 6 kỷ lục thế giới, 18 kỷ lục châu Á và 86 kỷ lục Asiad bị phá ở Jakarta 2018. Đó là những con số cho thấy chất lượng của Asiad 19.
Nhưng cuộc chơi vẫn không hề đơn điệu. Ấn Độ trở thành một thế lực thú vị khi giành đến 28 HCV - thành tích tốt nhất trong lịch sử của họ.
Triều Tiên thực hiện một cú trở lại mạnh mẽ sau khi đã vắng mặt ở Olympic Tokyo vì lý do dịch bệnh. Và cả những quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines cũng mang đến Asiad 19 những cảm xúc đặc biệt ở các môn thể thao Olympic.
Kỳ Asiad số 1 lịch sử, hay một kỳ Asiad tiệm cận Olympic về trình độ. Hàng Châu 2022 thực sự là bữa đại tiệc thể thao đáng nhớ!
Chào Trung Quốc, hẹn gặp lại ở Nhật Bản!
Sau hơn hai tuần tranh tài sôi nổi, Asiad 19 đã chính thức khép lại vào tối 8-10 với lễ bế mạc hoành tráng trên sân Olympic Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cũng như lễ khai mạc, lễ bế mạc diễn ra đủ màu sắc rực rỡ với công nghệ 3D bắt mắt.
Toàn bộ sự kiện bao gồm hai tiết mục "Thời khắc rực rỡ", "Sen quế đua nở" và tiết mục tổng kết "Từ trái tim đến trái tim" cùng bốn trích đoạn: "Gặp gỡ tại ASIAD", "Khoảnh khắc tuyệt vời", "Khoảnh khắc cảm động" và "Hồi ức Hàng Châu".
Tại lễ bế mạc, quyền chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) Raja Randhir Singh đã trao cờ OCA cho nước chủ nhà kế tiếp của Asiad là Nhật Bản. Họ sẽ đăng cai Asiad 20 tại thành phố Aichi và Nagoya từ ngày 19-9 đến 4-10-2026.
Thể thao Việt Nam xếp hạng 21
Với 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, Việt Nam chỉ xếp hạng 21 trên bảng tổng sắp chung cuộc Asiad 19. Đây là bước thụt lùi lớn, bởi ở Asiad 2018, Việt Nam xếp hạng 16.
Nếu chỉ tính ở Đông Nam Á, thành tích của Việt Nam kém hơn Thái Lan (hạng 8, 12 HCV), Indonesia (hạng 13, 7 HCV), Malaysia (hạng 14, 6 HCV), Philippines (hạng 17, 4 HCV) và Singapore (hạng 20, cùng 3 HCV nhưng nhiều hơn Việt Nam 1 HCB).
Ấn Độ trở thành hiện tượng của Asiad 19 khi vươn lên vị trí thứ 4. Với 28 HCV, 38 HCB, 41 HCĐ, Ấn Độ chỉ kém hơn Trung Quốc (201 HCV), Nhật Bản (52 HCV) và Hàn Quốc (42 HCV).
Về lý thuyết, với 3 tấm huy chương vàng đoàn thể thao Việt Nam "đạt chỉ tiêu" ở Asiad 19. Nhưng dấu ấn mà các vận động viên Việt Nam để lại trên đất Hàng Châu 3 tuần qua lại khá nhạt nhòa.