Trung Quốc đang nỗ lực giúp các nước châu Phi phát triển thêm nhiều các sản phẩm thực phẩm và thành lập các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Đây là một phần nỗ lực thay đổi cán cân thương mại dài hạn theo hướng thuận lợi cho Trung Quốc.
Sau hơn hai thập kỷ chủ yếu mua nguyên liệu thô, quốc gia 1,4 tỷ dân này đang đẩy mạnh tốc độ nhập khẩu thực phẩm từ châu Phi. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi đạt mức 282 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch thương mại hai chiều.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết, những sáng kiến mới nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa của Châu Phi không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là lĩnh vực được Trung Quốc chú trọng tại châu lục này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã tiết lộ kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất ở châu Phi, tăng cường sản xuất lương thực và trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho hàng nghìn người dân châu Phi. Ông cũng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về đảm bảo thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ châu Phi.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) năm 2021, Trung Quốc cũng cam kết mở những “làn xanh” cho sản phẩm nông nghiệp châu Phi với mục tiêu đạt nhập khẩu 300 tỷ USD vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu đó, năm ngoái, Bắc Kinh đã miễn thuế đối với 98% các mặt hàng từ hàng chục quốc gia kém phát triển, phần lớn là ở Châu Phi.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS họp tại Johannesburg, Chủ tịch Tập Cận Bình còn cam kết hỗ trợ phát triển ngành sản xuất của Châu Phi và tạo ra các thương hiệu “Made in Africa”. Ông nhắc lại lời hứa năm 2021 là đầu tư ít nhất 10 tỷ USD vào lục địa này, cũng như cung cấp một khoản tín dụng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vài ngày sau đó, Ngân hàng ngoại thương của Châu Phi thông báo họ đã nhận được khoản vay trị giá 400 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để tiếp tục cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Châu Phi vay vốn.
Những phát biểu của ông Tập dường như cũng phản ánh sự thay đổi so với thập kỷ trước. Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào châu Phi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, để xây dựng các dự án lớn như cảng, đường sắt, đường cao tốc và đập điện.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết những cam kết mới nhất cho thấy Trung Quốc không quay lưng với cơ sở hạ tầng mà là mở ra các kênh đầu tư song song.
Lauren Johnston, nhà nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi ở Johannesburg, cho biết: “Đó là sự thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của việc sử dụng cơ sở hạ tầng cho các thị trường xuất khẩu mới và để tăng thu nhập ở nông thôn”.
Johnston cho biết, trong thập kỷ tới với dân số ngày càng tăng, Châu Phi sẽ cần nhiều lương thực hơn nữa. Bà nói thêm, an ninh lương thực cũng quan trọng hơn đối với Trung Quốc vì còn cạnh tranh thương mại với Mỹ. Nước này không còn muốn phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi và thực phẩm của Mỹ và Australia.
Nam Phi, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, từ lâu đã xuất khẩu khoáng sản sang quốc gia châu Á này. Tháng trước, Nam Phi cùng với Kenya và Tanzania đã bắt đầu gửi bơ sang Trung Quốc. Những quốc gia có bơ tươi đã được tiếp cận thị trường vào năm ngoái và bổ sung thêm các loại nông sản khác như chanh, bưởi, cam…
Dứa Beninese, ớt Rwandan và các sản phẩm thịt bò từ Namibia và Botswana cũng đã được tiếp cận thị trường Trung Quốc trong những tháng gần đây. Tháng trước, Wu Peng - vụ trưởng Các vấn đề châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc- đã xác nhận rằng lô hàng cá cơm Kenya nặng 52 tấn đầu tiên đã cập bến tại Trung Quốc.
Vị quan chức này cho biết xuất khẩu nông sản châu Phi sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Điều này đang mang lại lợi ích hữu hình cho cả người dân châu Phi và Trung Quốc
Theo SCMP