Theo Hãng tin Reuters, Thái Lan đang phối hợp với Jordan, Ai Cập và Malaysia để bảo đảm đường về cho hơn 1.400 công dân tại Israel.
Trong thông báo ngày 9-10, Chính phủ Thái Lan cho biết hàng chục công dân nước này đã thiệt mạng, 9 người bị thương và 11 người khác bị "bắt cóc".
Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Jakkapong Sangmanee mô tả các cuộc đàm phán trả tự do cho công dân bị bắt cóc "rất tích cực", song không nêu chi tiết.
Có khoảng 30.000 người Thái Lan đang làm việc tại Israel. Đây cũng là một trong những nhóm lao động nhập cư lớn nhất ở đất nước Do Thái.
Không quân Thái Lan có hai máy bay sẵn sàng cho các chuyến bay sơ tán cùng với nhân viên y tế. Hãng hàng không quốc gia của nước này cũng có thể được huy động cho nhiệm vụ hồi hương công dân, theo các quan chức Chính phủ Thái Lan.
Nepal, một quốc gia châu Á khác, cũng đang lên kế hoạch sơ tán công dân. Trong thông báo ngày 9-10, Bộ Ngoại giao Nepal xác nhận ít nhất 10 công dân nước này đã thiệt mạng, 4 người khác bị thương sau khi giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas bùng nổ.
Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal đã triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt để thảo luận các cách đưa công dân về nước, theo Reuters. Nepal có khoảng 4.500 công dân đang làm việc tại Israel, chủ yếu là y tá và điều dưỡng.
Cùng ngày 9-10, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã sơ tán được 215 người từ Israel bằng đường hàng không, phần lớn trong số này là công dân Hungary.
Ông Peter Szijjarto cũng thông báo nước này đang chuẩn bị hồi hương tiếp 110 người, trong đó có công dân các nước Anh, Áo, Thụy Điển, Bồ Đào Nha.
Theo Hãng thông tấn AFP, xung đột bất ngờ giữa Israel và lực lượng Hamas đã khiến nhiều người nước ngoài bị mắc kẹt.
Ngoài các nước kể trên, Philippines, Tây Ban Nha và Romania cũng đã sơ tán được một số công dân hoặc đang chạy đua với thời gian để giải cứu những người bị bắt cóc.
Qatar đang nỗ lực làm trung gian đàm phán để giải cứu những dân thường Israel và Palestine đang bị hai phe trong xung đột bắt giữ.
Giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas bùng nổ ngày 7-10, nhanh chóng leo thang khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ hạ nhiệt trong lúc các nước và tổ chức quốc tế kêu gọi sự kiềm chế, tránh bạo lực với dân thường.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt hết điện, nước, thực phẩm… trong diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.