Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải.
Báo cáo này do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký.
Triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra
Liên quan đến việc siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ đã ban hành kế hoạch thanh tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lĩnh vực có nhiều phản ánh, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
Tinh thần được quán triệt là "chủ động nhận diện để phòng ngừa từ sớm, từ xa; sai đến đâu xử lý ngay đến đó; phải làm đến cùng, có kết quả cụ thể".
Từ tháng 6 năm 2022 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Đáng chú ý, trong đó có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, diện rộng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như công tác tổ chức thực hiện một số dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác điều phối giờ cất hạ cánh (slot); tổ chức thực hiện các dự án/gói thầu liên quan đến Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và hệ sinh thái; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Công ty DAMCO…
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất 9 dự án trọng điểm trong quá trình triển khai thực hiện.
Điển hình, kiểm tra về công tác chuẩn bị và triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…
Báo cáo nêu rõ qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý dự án. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục tồn tại, sai sót.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý để sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường
Theo Bộ trưởng Thắng để đáp ứng nhu cầu vật liệu đắp nền, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đang khan hiếm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu nền đường với sự tham gia của các cơ quan thuộc Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia.
Hiện tại, đã triển khai ngoài hiện trường (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau), tổng chiều dài đoạn thí điểm 320m từ nguồn mỏ cát biển lấy ở Sóc Trăng.
Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành đắp lớp cát biển K=0,95, đã đắp cát sông K=0,98, đắp lề đất hai bên và tiến hành đắp lớp cấp phối đá dăm.
Kết quả bước đầu thí điểm (triển khai thi công và quan trắc môi trường) cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, qua kiểm tra toàn diện thấy có tồn tại, hạn chế trong quản lý đào tạo lái xe, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.