Làn sóng vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global, 459 công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tính đến cuối tháng Tám, vượt số doanh nghiệp phá sản trong năm 2021 và 2022.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ, mà việc doanh nghiệp vỡ nợ đang gia tăng trên toàn cầu, dấu hiệu cho thấy lãi suất cao trên toàn thế giới đang bắt đầu thể hiện tác động trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn đang nỗ lực chống lạm phát. Theo một báo cáo khác của S&P Global, tính riêng trong tháng Tám, đã có 107 tập đoàn vỡ nợ trên toàn cầu, con số theo tháng cao nhất kể từ năm 2009.
Ông Collin Martin, một lãnh đạo cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, ước tính chi phí đi vay của nhiều công ty đã tăng gấp đôi hoặc gần gấp ba trong năm 2023 so với những năm trước đó, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính doanh nghiệp.
Theo chỉ số ICE BofA US High Yield Index, lợi suất trái phiếu của các doanh nghiệp được đánh giá có chất lượng tín dụng thấp đã tăng mạnh lên 9% trong tháng này. Giải thích cho diễn biến này, ông Martin cho hay khi các doanh nghiệp này muốn trả nợ cũ, họ phải phát hành nợ mới với mức lợi suất cao hơn đáng kể so với nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ phải trả lãi nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của họ trong bối cảnh doanh thu đang tăng chậm lại.
Ông Martin cho biết tình hình này đặc biệt khó khăn với các công ty zombie, tức những công ty không có sẵn tiền mặt để trả nợ. Nhiều công ty zombie đã sống sót trong môi trường lãi suất cực thấp, khi chi phí đi vay gần bằng không và các công ty này có thể vay nợ mới để trả nợ cũ tương đối dễ dàng.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong môi trường lãi suất cao. Theo Fitch Ratings, tỷ lệ vỡ nợ của các trái phiếu có lợi suất cao được dự đoán sẽ lên đến 4,5-5% vào cuối năm nay, gấp hơn sáu lần con số tương ứng của năm 2021.
Nguy cơ suy thoái
Ông Martin dự đoán tổng số vụ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp của Mỹ sẽ tăng mạnh sang cả năm 2024. Theo ước tính của Charles Schwab, tình hình vỡ nợ và phá sản tại Mỹ có thể đạt đỉnh vào khoảng cuối quý I/2024.
Làn sóng vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp này là một trong những "cơn gió ngược" có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Các công ty cố gắng xoay xở để vượt qua nguy cơ phá sản hoặc đang gánh một khối nợ lớn có thể sẽ phải cắt giảm nhân sự để phục hồi sức khỏe tài chính. Điều này cũng tác động tiêu cực đến giá tài sản, nhất là đối với các khoản nợ ngân hàng và trái phiếu lợi suất cao, từ đó có thể ảnh hưởng đến cả giá cổ phiếu.
Các dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Mỹ sẽ sớm giảm tốc cũng đang dần xuất hiện. Người tiêu dùng đang dần tiêu hết khoảng tiết kiệm dư thừa trong thời kỳ đại dịch, trong khi việc tái khởi động nghĩa vụ thanh toán các khoản vay sinh viên cũng sẽ gây áp lực lên hoạt động chi tiêu, và lợi suất trái phiếu tăng mạnh được dự đoán sẽ làm tăng chi phí đi vay trên toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, đường cong lợi suất đang bắt đầu đảo ngược, điều mà các chuyên gia thị trường cho là dấu hiệu cho một cuộc suy thoái sắp diễn ra trong ngắn hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!