Từ cuối tháng 9-2023 đến ngày 9-10, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cấp phát 332.000 cây giống cà phê cho 195 hộ nông dân tại các xã Tân Liên, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Ba Tầng, Hướng Việt và thị trấn Khe Sanh.
Tuy nhiên, phần lớn nông dân mếu máo vì cây giống yếu, không đủ điều kiện để trồng ngay.
"Ứa nước mắt" khi nhìn cây giống cà phê
Sắp các bao cây giống cà phê vừa nhận sáng 7-10 ra sân, bà Nguyễn Thị Hòa - ở thôn Trùm, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa - ứa nước mắt vì cây giống quá nhỏ, yếu, không thể trồng. "Chất lượng giống như thế này làm sao chúng tôi trồng. Bà con chỉ biết chảy nước mắt", bà Hòa nói.
Cây giống nhận về có bầu cao chưa đến 10cm, chu vi bầu trong lòng bàn tay, cây giống cao chưa đến 15cm, lá có màu xanh nhạt, cây yếu. Mấy tháng trước, bà thuê máy cày lên rẫy nằm sát biên giới Việt Nam - Lào để cày đất. Nay giống nhận về không đạt, bà không biết sẽ làm gì với rẫy đất vừa cày.
Trong 1.900 cây nhận về, bà phân loại khoảng 200 cây có thể xuống giống. Số còn lại, bà chờ chăm sóc thêm một tháng nữa nhưng không có gì đảm bảo cây lên được.
Ông Trần Xuân Nhị - chồng bà Hòa - cho hay hai vợ chồng trồng cà phê tại đây từ năm 2003. Nhìn đám cây giống vừa nhận về, ông khẳng định ngay cây không đạt tiêu chuẩn.
"Thông thường, bầu giống phải nặng 1kg, bầu cao 20cm, cây cao 25 - 30cm. Cây quá thấp, khi trồng sẽ bị ngập dưới hố, bị cỏ rác lấp lại, không lên được", ông Nhị nói.
Ngoài ra, vợ chồng ông Nhị cho biết thời điểm cấp giống muộn so với thời vụ, ảnh hưởng rất lớn việc phát triển của cây. "Bây giờ đã cuối vụ trồng, gió lạnh đông bắc sắp tràn về. Qua Tết, thời tiết khô hạn, bất lợi để cây cà phê bám rễ", ông Nhị nói.
Nông dân đối mặt mất một năm canh tác
Cách rẫy vợ chồng ông Nhị khoảng 70km về phía bắc, nông dân Nguyễn Văn Tại - ở thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng - cũng nhận 1.350 cây giống cà phê vào sáng 7-10.
Ông Tại cho rằng cây giống đủ 5 cặp lá, nhưng cùng chung đặc điểm là bầu nhỏ, cây giống thấp chưa đến 20cm. "Bầu nhỏ như này là bầu nhân giống cây tràm, chứ không phải bầu cà phê. Bầu giống cà phê phải nặng ít nhất 0,5kg", ông Tại thông tin.
Tại thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân, bà Lê Thị Tiến cho biết vừa nhận 5.000 cây cà phê giống cách đây 10 ngày. "5.000 cây đã loại bỏ 500 cây hư hỏng do vận chuyển, còn lại ước sống khoảng 3.000 cây thôi", bà Tiến ngao ngán.
Không tìm được nguồn giống thay thế, những nông dân này cho hay chấp nhận mất công sức để trồng nhưng không tin tưởng vào nguồn giống, và chấp nhận rủi ro mất một năm canh tác.
"Giống cà phê yếu, chất lượng thấp hơn"
Theo ông Hoàng Đình Bình - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa về chính sách tái canh cây cà phê, năm 2023, huyện Hướng Hóa đấu thầu rộng rãi 332.000 cây giống cà phê để cấp cho nông dân trong huyện. Công ty TNHH giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) trúng thầu với giá gần 1,2 tỉ đồng.
Ông Hồ Quốc Trung - phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thừa nhận: "Giống cà phê có yếu hơn, chất lượng thấp hơn, thời gian ươm chưa đảm bảo".
Ông Trung thông tin theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bầu trồng cà phê phải có đường kính 8 - 12cm, cao 18 - 20cm, cây cao 25 - 30cm. Đối chiếu với số cây đã cấp phát cho dân thì kích thước bầu và cây chưa đạt.
Ông Trung đề nghị nông dân chăm sóc thêm cây giống để cứng cáp trước khi đưa ra rẫy trồng.
Nguyên nhân do đấu thầu rộng rãi, đơn vị dự thầu ở khắp cả nước nên huyện khó quản lý chất lượng, không kiểm soát được nguồn giống từ khi chọn giống đến gieo trồng, mà chỉ thấy cây giống khi xe chở về địa phương.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa đang đề xuất được phép cấp giống theo cơ chế đặt hàng để kiểm soát tất cả các khâu trong quá trình nhân giống.
Ông Hoàng Đình Bình cho biết phòng có chỉ đạo cây giống không đạt chuẩn trả lại nhà cung cấp. Mỗi đợt cấp phát cây giống cà phê đều có cán bộ nông nghiệp, cán bộ xã và thôn đi theo giám sát. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hàng chục nghìn cây giống không đạt chuẩn vẫn được cấp phát về với nông dân.
'Khi phá sản, tôi như rơi xuống đáy vực. Tôi bỏ sang Lào làm công nhân cao su. Nhưng cà phê đã ăn vào máu thịt, tôi gầy dựng lại vườn, sản xuất cà phê đặc sản, tạo nên thương hiệu cà phê chồn Madam Hương', bà Hương kể lại.