vĐồng tin tức tài chính 365

Tốt nghiệp bác sĩ rồi thi lại đại học

2023-10-10 09:59
Nguyễn Đại Nghĩa (ngồi) cùng đồng nghiệp trao đổi tại phòng thí nghiệm công nghệ phần mềm (SELab) Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nguyễn Đại Nghĩa (ngồi) cùng đồng nghiệp trao đổi tại phòng thí nghiệm công nghệ phần mềm (SELab) Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Điều đặc biệt, anh từng tốt nghiệp bác sĩ nhưng không theo nghề y.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ về quyết định không làm bác sĩ mà thi lại ĐH ngành công nghệ thông tin ngay sau khi tốt nghiệp ngành y khoa, Nguyễn Đại Nghĩa chia sẻ: Học y và làm bác sĩ không đơn thuần chỉ là sáu năm ĐH.

Bác sĩ ra trường sẽ phải tiếp tục học tập, tích lũy kinh nghiệm thêm quá trình dài nữa mới có thể làm nghề tốt được. Trong khi tôi nhận thấy năng lực và mong muốn của bản thân chưa phù hợp với ngành y.

Sau một thời gian đủ dài, tôi nhận ra rằng thay vì luôn gồng gắng để theo đuổi một điều cao quý, mình cần hiểu bản thân thật sự cần gì và làm được gì.

Tôi thấy mình còn thiếu một điều gì đó để có thể đi tiếp con đường dài phía trước mà không phải luôn sống trong lo âu và căng thẳng. Và thời gian đã cho tôi câu trả lời, đó chính là đam mê. Tôi đã chọn ngã rẽ với mong muốn tìm một cơ hội tốt hơn, nơi mình sẽ phát triển nhanh hơn.

Tuổi trẻ chỉ có một, dù muộn màng tôi vẫn tin khi quyết tâm với tất cả sức lực và đam mê, mình sẽ làm được. Vì vậy ngay sau khi nhận bằng bác sĩ năm 2018, tôi đã thi ĐH lại để theo học ngành công nghệ thông tin.

Nguyễn Đại Nghĩa

Nhận ra bản thân không phù hợp

* Vì sao trước đây anh không chọn ngành công nghệ thông tin ngay từ đầu mà lại chọn ngành y?

- Thời phổ thông tôi học trường huyện, luôn cố gắng học tốt đều các môn và đầu tư nhiều hơn các môn toán, lý, hóa, sinh để thi ĐH. Tôi từng trúng tuyển Trường ĐH Ngoại thương (khối A) và Trường ĐH Y Dược TP.HCM (khối B với 28 điểm).

Việc đậu cả hai trường top đầu lúc đó khá "ngầu", mọi thứ đều được kỳ vọng sẽ diễn ra tốt đẹp như cách mình bắt đầu, chứ tôi không bị ép buộc bởi bất kỳ ai.

Tuy nhiên khi càng đi sâu vào quá trình học, thực hành, tôi mới nhận ra sự khác biệt giữa năng lực của bản thân và yêu cầu của đặc thù ngành y. Tôi không có kinh nghiệm trong việc chọn ngành. Thật ra khó để nói rằng chọn một ngành cho cá nhân nào đó là đúng hay sai. Bởi quyết định lựa chọn đưa ra ở một thời điểm nhưng điều quan trọng hơn nằm ở quá trình mình thực hiện nó.

* Việc phải theo học ngành không phù hợp với bản thân, anh cảm thấy khó khăn?

- Việc học, vượt qua những bài thi, đợt vấn đáp lâm sàng ở trường y để tốt nghiệp đúng hạn đối với tôi là sự cố gắng lớn và có phần may mắn. Được học tập và rèn luyện ở một trong những trường hàng đầu cả nước về khoa học sức khỏe giúp tôi vững vàng hơn và không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Quá trình học y của tôi cũng bình thường như hầu hết các bạn khác. Kết quả học tập cũng không có gì nổi trội.

Nhưng tôi nhận ra sáu năm ở trường y mới chỉ giúp nắm bắt được kiến thức chung nhất về thế giới y khoa. Tay nghề của một bác sĩ không phụ thuộc nhiều vào điểm số thời đi học mà phụ thuộc vào quá trình thực hành và cập nhật kiến thức liên tục về sau.

Hiểu rõ điều đó và hiểu chính mình, tôi lựa chọn dừng lại như là một cái kết tạm trọn vẹn để có thể chuyển hướng.

Nguyễn Đại Nghĩa

Nguyễn Đại Nghĩa

Tạm dừng tìm lối rẽ

* Sao anh không bỏ học ngành y ngay từ năm nhất mà phải học hết sáu năm?

- Khó khăn khi theo học y khoa và nhận ra mình không đủ đam mê không hoàn toàn ở việc tốt nghiệp được hay không, mà chủ yếu là mình sẽ làm việc đó giỏi không. Trăn trở về việc làm một bác sĩ phải giỏi, nếu không giỏi thì sẽ hại người hại mình.

Đó cũng là một trong những động cơ khiến tôi tạm dừng lại để rẽ lối. Suy nghĩ để thi lại và học lại, thay đổi bản thân đã nhen nhóm trong tôi từ những năm đầu đi lâm sàng hồi năm 3.

Nhưng là một người trẻ, tôi mông lung với nhiều mong muốn nhưng không ít nỗi lo khi mình không thể chắc chắn bất kỳ điều gì thì đưa ra một quyết định vội vàng sẽ đầy rủi ro và có thể phải trả giá rất lớn. Phía sau tôi là gia đình với bao nhiêu kỳ vọng và là cả tôi của những ngày còn là học sinh. Khi đã tốt nghiệp mình sẽ có thể tự do bước đi mà không phải nặng lòng nhiều.

* Anh chọn phương thức thi đánh giá năng lực và đã trúng tuyển chương trình cử nhân tài năng ngành công nghệ thông tin với mức điểm 1.052 (top 3 đầu vào). Anh đã ôn luyện thế nào?

- Sáu năm đi học ở trường y cũng là thời gian tôi đi dạy thêm các môn toán, lý, hóa cho học sinh THPT. Điều này giúp tôi được ôn lại và cập nhật các kiến thức và dạng đề các môn này. Ngoài ra, hồi học THPT tôi cũng học đều các môn nên tìm thêm các tài liệu trên Internet và đề mẫu đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để làm thử.

* Anh thi lại ĐH và học ngành mới, gia đình có biết?

- Trong suốt hơn hai năm đầu, tôi giấu không cho gia đình biết và phải đi làm thêm để trang trải học phí và phí sinh hoạt... Từ khoảng giữa năm 3, đặc thù ngành công nghệ thông tin có thể đi xin thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp để có thu nhập nên giai đoạn sau tôi đã được giảm bớt áp lực và có thể tập trung cho giai đoạn nước rút.

* Với hai tấm bằng ĐH, hiện nay anh đã có kế hoạch làm công việc gì, ở lĩnh vực nào?

- Tôi không coi việc thi lại và học lại một ngành mới là một sự từ bỏ. Tôi đã rèn luyện để đạt chuẩn đầu ra của một bác sĩ, kiến thức và kỹ năng của mình có thể giúp ích được cho bản thân và người xung quanh về sau chứ không hề lãng phí. Việc học ngành mới là một bước đi khai phá một góc cạnh khác của bản thân, tìm một cơ hội phù hợp hơn và làm được nhiều thứ hiệu quả cao hơn chứ không phải một sự loại trừ lẫn nhau.

Sở hữu hai tấm bằng sau hơn 10 năm học ĐH, tôi thấy mình vẫn chỉ là một người học trò được cầm trên tay chiếc chìa khóa mở cánh cửa để đến với thế giới khoa học bao la. Tôi đã nộp hồ sơ để ứng tuyển làm việc ở trường đồng thời nộp hồ sơ tuyển vào chương trình sau ĐH về khoa học máy tính.

Công việc trong tương lai gần sẽ là thực hiện các nghiên cứu về các lĩnh vực máy tính, trí tuệ nhân tạo, tương tác thông minh... theo yêu cầu thực tế của xã hội, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và đàn anh đi trước.

Khát khao tuổi trẻ

* Tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình toàn khóa (GPA) là 9,43, trở thành một trong hai sinh viên có điểm cao nhất khoa, anh có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình?

- Điều may mắn nhất khi đi học lại là tôi được học trong một môi trường thân thiện và chất lượng ở khoa công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Ở đây, tôi gặp những người bạn (trẻ hơn 7 tuổi) rất nhiệt tình, thông minh, năng động, gặp nhiều thầy cô tâm huyết... mọi người như kéo tôi đi theo những gì mà tuổi trẻ tôi đã khao khát trước đó rất nhiều. Thực sự, nếu không có thầy cô và bạn bè, tôi đã không thể một mình đi đến ngày hôm nay.

* PGS.TS Trần Minh Triết (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tiềm năng kết hợp kiến thức liên ngành

Nghị lực và niềm đam mê đã giúp Nguyễn Đại Nghĩa mạnh dạn quyết định chọn học công nghệ thông tin ngay sau khi đã tốt nghiệp ngành y. Có được kiến thức cơ sở trong lĩnh vực y khoa và giờ tốt nghiệp xuất sắc ngành công nghệ thông tin, điều này cho phép Nghĩa có tiềm năng kết hợp kiến thức liên ngành.

Tôi tin Nghĩa có thể vận dụng được kiến thức của mình để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực khoa học sức khỏe, từ đó có thể phục vụ xã hội.

Qua quan sát quá trình học tập bốn năm qua tại khoa công nghệ thông tin, tôi tin Nghĩa đã có những kiến thức nền tảng tốt và mong rằng bạn ấy sẽ luôn cố gắng không ngừng trong học tập, nghiên cứu và đạt được kết quả như ước mơ của mình trong tương lai.

Nỗ lực vào giảng đường đại học của anh công nhân thời vụNỗ lực vào giảng đường đại học của anh công nhân thời vụ

Gần tháng trời làm công nhân thời vụ tiếp sức cho chặng đường đại học, Lò Văn Lâm... tiếc nuối từ bỏ, bởi việc học là quan trọng nhất với Lâm lúc này để có tương lai tươi sáng hơn.

Xem thêm: mth.69315833290013202-coh-iad-ial-iht-ior-is-cab-peihgn-tot/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tốt nghiệp bác sĩ rồi thi lại đại học”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools