vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp vay hàng tỷ USD làm các dự án 'xanh'

2023-10-10 15:24

Cuối tháng 9, Tín Thành Group (TTG) đã ký hợp đồng nhận vốn của tổ chức tài chính Acuity Funding (Australia) tổng trị giá 6,4 tỷ USD. Tập đoàn này cho biết sẽ dùng số tiền vay trên để triển khai loạt dự án tại Việt Nam và 2 dự án ở Mỹ, đều liên quan đến phát triển bền vững, hay kinh tế "xanh".

Cụ thể, một tỷ USD dự kiến được TTG dùng phát triển bốn nhà máy điện sinh khối và hàng nghìn ha trồng cao lương tại miền Trung và Nam Việt Nam. Trong khi 1,7 tỷ USD dùng xây nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina, mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.

Số tiền còn lại 3,7 tỷ USD, Tín Thành Group sẽ xây cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina, do công ty hợp tác cùng Air Products.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng "mở khóa nguồn tài chính xanh là một thách thức chính ở Việt Nam". Vì vậy, cú bắt tay này là một thương vụ tiên phong trong chia sẻ hợp tác phát triển bền vững hai nước.

Trước đó, hôm 19/9, IFC cũng cam kết đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty BIM Land (100 triệu USD) và Công ty Thanh Xuân (50 triệu USD), đều thuộc BIM Group, phát hành.

Số tiền được Thanh Xuân dùng phát triển dự án khu dân cư thân thiện môi trường kèm tổ hợp khách sạn tại Vĩnh Phúc. Còn BIM Land sử dụng đầu tư các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn ở Phú Quốc.

Đồ họa InterContinental Phú Quốc, một dự án khách sạn của BIM Land có dùng vốn huy động từ IFC để đầu tư giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng. Ảnh công ty cung cấp

Đồ họa InterContinental Phú Quốc, một dự án khách sạn của BIM Land có dùng vốn huy động từ IFC để đầu tư giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng. Ảnh công ty cung cấp

IFC cho biết trái phiếu liên kết bền vững giúp hai công ty tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại ba khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC. Các giải pháp này dự kiến giúp giảm được khoảng 4.000 tấn phát thải CO2 mỗi năm.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng vốn tư nhân là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Lô trái phiếu của hai công ty con BIM Group là đợt phát hành trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên trong nước.

Đến nay, IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam. Tổng cam kết đầu tư của tổ chức tài chính thuộc WorldBank Group này đạt gần 1,9 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào 30/6.

Các thương vụ huy động hàng trăm đến tỷ USD gần đây tại Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu áp lực phải xanh hóa để duy trì khả năng cạnh tranh, và giới đầu tư ưa chuộng các dự án liên quan phát triển bền vững.

Ông Đoàn Quốc Huy, Phó chủ tịch kiêm CEO BIM Group nói nguồn tài trợ và tư vấn của IFC sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thuận lợi hơn, cũng như tăng sức hấp dẫn của sản phẩm. "Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư quốc tế khi phát triển cơ sở hạ tầng du lịch xanh và chất lượng cao", ông nói.

Tại Diễn đàn kinh tế TP HCM (HEF) 2023 mới đây, ông Phạm Văn Thinh, CEO Deloitte Việt Nam, cho biết thị trường vốn đang rất quan tâm đến vấn đề bền vững. Ông dẫn báo cáo trên Finacial Times cho biết 85% các nhà quản lý đầu tư tin rằng nếu doanh nghiệp không có sáng kiến phát triển bền vững, giá trị cổ phiếu sẽ giảm.

"Danh tiếng thương hiệu rất quan trọng, muốn làm việc với doanh nghiệp toàn cầu, giá cả quan trọng nhưng mặt bằng giá giờ không nhiều khác biệt giữa Việt Nam và nơi sản xuất khác. Do đó, nếu có các tiêu chuẩn, chứng nhận xanh sẽ có lợi thế hơn", ông Thinh nói.

Không chỉ có IFC, Acuity, một số gương mặt cấp vốn quen thuộc cũng muốn cho vay nhiều hơn các dự án liên quan đến bền vững. Ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Việt Nam cho hay nhà băng này đã thực hiện tích lũy 300 giao dịch, tổng giá trị 7 tỷ USD ở thị trường này, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất.

Cũng tại HEF 2023, ông Toru nói đang kỳ vọng có thêm nhiều dự án hơn. Hiện JBIC bước đầu làm việc với các ngân hàng tại Việt Nam để cung cấp nguồn tài chính linh hoạt cho cả công ty Nhật Bản và Việt Nam. Đến nay, đã có vài thử nghiệm cấp vốn đầu tư điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp, bắt đầu với doanh nghiệp Nhật.

"Bản thân các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam cũng có áp lực toàn cầu phải dùng năng lượng tái tạo. Hy vọng nhiều nhà đầu tư FDI lẫn nội địa sẽ bắt đầu thúc đẩy lĩnh vực này", ông Toru nói.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để khơi thông nguồn vốn xanh. Tại COP26, Việt Nam cam kết trung hòa carbon vào 2050. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng giám đốc FiinRatings, nói đến "xanh" thì cần đầu tư vào hạ tầng điện, nước, rác thải, giao thông, và phải có nguồn vốn lớn, khoảng 20-30 tỷ USD.

Ông cho rằng với nguồn ngân sách nhà nước có hạn, huy động vốn cho tăng trưởng xanh từ thị trường vốn nội địa và từ các nhà đầu tư nước ngoài là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, các dự án xanh cần những khoản đầu tư rất lâu, với nguồn vốn vay dài hạn. Thời gian hoàn vốn của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như năng lượng tái tạo vào khoảng 13-15 năm, trong khi các dự án xử lý chất thải hơn 15 năm.

Do đó, việc phát triển cơ chế nhằm thu hút nguồn vốn vay dài hạn là biện pháp quan trọng để thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh. "Thị trường trái phiếu đang khựng lại, tín dụng ngân hàng chủ yếu tín dụng ngắn hạn, nên trái phiếu xanh là một hướng", ông Thuân gợi ý.

Với doanh nghiệp, để tăng khả năng huy động các nguồn vốn liên quan đến yếu tố xanh, các chuyên gia khuyến nghị có sự chuẩn bị chu đáo và thật tâm. Ông Thuân lưu ý khung xanh trong chiến lược vốn, tìm hiểu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư và chủ nợ.

Ông Brian Ho, Đối tác và Lãnh đạo Đảm bảo Khí hậu và Bền vững cho châu Á -Thái Bình Dương và Đông Nam Á tại Deloitte cho rằng cùng với việc tuân thủ luật pháp, tiêu chuẩn địa phương, nếu muốn huy động vốn trên các sàn đại chúng quốc tế, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn các báo cáo bền vững theo đúng chính sách của nơi đó.

Đặc biệt, cần tránh "giặt xanh" (green washing), một chiến thuật xây dựng thương hiệu bằng cách thể hiện cam kết thân thiện môi trường hoặc bảo vệ tài nguyên, nhưng lại không tuân thủ. "Giặt xanh là nói xanh nhưng thật ra không như vậy, gây phản ứng trái chiều của nhà đầu tư và các bên liên quan", ông lưu ý.

Viễn Thông

Xem thêm: lmth.6667564-hnax-na-ud-cac-mal-dsu-yt-gnah-yav-peihgn-hnaod/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: vay

“Doanh nghiệp vay hàng tỷ USD làm các dự án 'xanh'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools