Thông tin từ hội nghị “Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chiều 10-10.
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cho rằng nghị quyết 98 bao gồm nhiều cơ chế, chính sách, với các lĩnh vực khá toàn diện, vừa có khả năng giải quyết những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, vừa là bệ phóng để TP.HCM phát huy tiềm năng và nội lực nội tại của mình.
TP luôn nhận thức vai trò rất lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là người Việt Nam đang ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, truyền thông đến với bạn bè quốc tế các chủ trương, chính sách, đặc biệt là nghị quyết 98. Từ đó để các hội đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ, đồng hành cùng TP.
“Lãnh đạo TP mong muốn tiếp tục được lắng nghe chia sẻ của quý đại biểu về giải pháp, hiến kế cho TP. Thông qua cầu nối của các chuyên gia trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài kết nối, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào TP”, ông Hải nói.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Mai Phan Dũng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 6 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển.
Với thế mạnh đó, kiều bào có thể tham gia góp ý, hiến kế xây dựng các chính sách, tạo môi trường cho các dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các dự án chiến lược của TP như đầu tư cho start-up đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… để TP có một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giảm phát thải ròng, hiện đại.
TP.HCM có lượng kiều hối gửi về hằng năm chiếm khoảng 50% tổng cả nước
Theo ước tính, có khoảng 600.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên, trong đó có nhiều nhà khoa học có tên tuổi ở các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như y dược, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng.
Tính đến tháng 10-2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án tại 42/63 tỉnh thành Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 đến năm 2022 đạt trên 190 tỉ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Hiện TP có khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỉ đồng. Thành phố cũng thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
TP.HCM là địa phương có lượng kiều hối gửi về hằng năm chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Năm 2022, kiều hối về thành phố lên đến hơn 6,8 tỉ USD.
Trong chuyến thăm Áo vào tháng 7-2023, dù lịch trình làm việc dày đặc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian đến thăm nhà tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà, chuyên gia vật lý lượng tử và giáo sư giảng dạy tại Đại học Bách khoa Vienna.