Có ý kiến cho rằng hành vi buông cả hai tay khi lái mô tô của người mẫu Ngọc Trinh xảy ra trên đoạn đường do Công ty Đại Quang Minh quản lý, đầu tư, xây dựng trong dự án khu đô thị Thủ Thiêm, chưa bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước nên không có cơ sở xử phạt.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đường nội bộ, hoặc đường chưa bàn giao cho Nhà nước quản lý vẫn là đường bộ và cơ quan chức năng có cơ sở để xử phạt các hành vi vi phạm theo Luật Giao thông đường bộ.
Nghị định 100 áp dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Luật sư Nguyễn Quốc (giám đốc Công ty luật TNHH Quốc và Cộng Sự, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Theo từ điển tiếng Việt, đường dùng để chỉ lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi.
Còn theo khoản 1, điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 định nghĩa: "Đường bộ là đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ".
Trên thực tế, nhiều con đường do Công ty Đại Quang Minh xây dựng dù chưa bàn giao cho Nhà nước quản lý nhưng đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, được bố trí biển báo, đèn tín hiệu giao thông (còn gọi là công trình báo hiệu đường bộ theo điều 45 Luật Giao thông đường bộ), thực tế người tham gia giao thông hằng ngày trên các tuyến đường này là không nhỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng điều 39 Luật Giao thông đường bộ về phân loại đường bộ chia mạng lưới đường bộ thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng để cho rằng các tuyến đường chủ đầu tư chưa bàn giao cho Nhà nước quản lý thì không phải là đường bộ, và đây là đường phục vụ cho công trình.
Tuy nhiên, theo luật sư Quốc, việc phân loại đường bộ không phân biệt đến đường này đã được bàn giao hay chưa.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 điều 2 nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 123/2021) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc đối tượng áp dụng của quy định này.
Do đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bất kể trong khu vực nội bộ được Nhà nước giao chủ đầu tư quản lý, hoặc chủ đầu tư chưa bàn giao cho Nhà nước cũng đều phải áp dụng các quy định của nghị định 100 để xử lý, kể cả về việc xác định hành vi vi phạm, hình thức, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, và thẩm quyền xử phạt.
- Tham khảo thêm
Đơn vị thi công không rào chắn cũng phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Nguyễn Trọng Dần (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng chiếu theo điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì lối đi được hình thành, người, xe cộ có thể lưu thông được thì gọi là đường.
Thực tế, nhiều con đường dân sinh chưa có tên, đường đất... thì vẫn là đường bộ. Cho nên dù là đường nội bộ hay đường chưa bàn giao cho Nhà nước thì khi có vi phạm, cơ quan chức năng hoàn toàn có căn cứ để xử phạt.
Thậm chí đường đang thi công, chưa đưa vào sử dụng mà có biển cấm lưu thông thì khi đi vào vẫn áp dụng xử phạt theo Luật Giao thông đường bộ và nghị định 100/2019.
Trong trường hợp đường đang thi công, đơn vị thi công phải cắm biển để cấm hoặc hạn chế lưu thông.
Nếu đơn vị thi công không có biện pháp rào chắn, cắm biển báo thì có thể bị xử phạt theo khoản 1 điều 13 nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Người mẫu Ngọc Trinh bị Phòng cảnh sát giao thông TP.HCM xử phạt hành vi 'chạy xe che biển số', 'không có giấy phép lái xe A2'... khi chạy mô tô trên cầu Ba Son.