vĐồng tin tức tài chính 365

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM

2023-10-10 19:26

Chiều 10.10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân và trung tướng Dương Văn Thăng, Phó chánh án TAND tối cao, tiếp xúc cử tri tại Q.7, kết nối trực tuyến với các điểm cầu Q.4, H.Nhà Bè.

"Chính sách về nhà ở xã hội chưa công bằng"

Cử tri Trần Thị Hồng Phượng (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.7) có góp ý về dự thảo luật Nhà ở (sửa đối). Cụ thể, theo bà Phượng, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân gồm công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa thỏa đáng.

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM - Ảnh 1.

Cử tri Trần Thị Hồng Phượng phát biểu về chính sách nhà ở cho công nhân

TRỌNG NGHĨA

"Không chỉ những người đang làm việc trong các khu công nghiệp mới có nhu cầu về nhà ở xã hội, còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ. Tôi chưa hiểu vì sao lại có sự phân biệt này. Đây cũng là ý kiến chung của anh chị em công nhân lao động. Rất mong bất kỳ lao động nào đều có cơ hội được tiếp cận với chính sách hỗ trợ", cử tri Phượng nói.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có dự thảo quy định các đối tượng như người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong khu công nghiệp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, cử tri Phượng cho rằng tiêu chí này chưa công bằng.

"Ví như tôi không có người phụ thuộc thì mức thu nhập tôi có thể phải đóng thuế, nhưng không có nghĩa là tôi thu nhập cao hơn những người có người phụ thuộc. Hơn nữa, với mức tính thuế thấp như hiện nay thì dù thu nhập tôi trên 11 triệu đồng/tháng thì cũng không dư dả với mức sống tại thành phố. Nếu quy định vậy thì khó có cơ hội cho công nhân, người lao động trẻ tiếp cận nhà ở xã hội", cử tri Phượng nêu ý kiến.

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM - Ảnh 2.

Buổi tiếp xúc cử tri Q.7, Q.4, H.Nhà Bè chiều 10.10

TRỌNG NGHĨA

Hiệu quả tăng lương cơ sở không cao

Đề cập đến đời sống công nhân, cử tri Lê Thị Thu (xã Long Thới, H.Nhà Bè) nói: "Doanh nghiệp khó khăn, cơ hội việc làm còn thấp, nhất là đối với lao động phổ thông, cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động. Trong tương lai, tôi cho rằng cần đẩy mạnh chính sách đào tạo nghề, đầu tư cho các trường nghề để cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho thành phố".

Cử tri Phạm Hồng Thắm (Q.7) cho rằng việc tăng lương trong thời gian qua không đạt được hiệu quả cao bởi số tiền tăng vẫn chưa theo kịp các chi phí tiêu dùng như thực phẩm, điện, nước... Vì vậy, việc tăng lương cần phải nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, đi kèm với ổn định giá cả thị trường.

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM - Ảnh 3.

Cử tri Phạm Hồng Thắm phát biểu về vấn đề giá cả thị trường

TRỌNG NGHĨA

"TP.HCM cần tăng cường đầu tư chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Nhất là hiện nay người lao động rút BHXH 1 lần rất nhiều. Cần phải có giải pháp, nhất là sự vào cuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội, để giúp công nhân có tiền trang trải, để họ giữ được thời gian đóng BHXH", cử tri Thắm nói.

Một số ý kiến cử tri Q.4 cũng đề nghị xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng, nợ BHXH; tăng độ hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện...

Bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, kẹt xe?

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng (P.Phú Mỹ, Q.7) chất vấn khi nào TP.HCM sẽ có giải pháp dứt điểm vấn đề ngập, kẹt xe?

Về giao thông, ông Mừng nói: "Người dân Q.7 có linh cảm bị tách rời khỏi trung tâm. Chỉ cách một đến hai cây cầu, nhưng có việc gì phải đi vào trung tâm TP.HCM là kẹt xe kinh khủng".

Ông Mừng nhận định, chính sách giãn dân ra khỏi trung tâm thành phố áp dụng thời gian qua không làm giảm mà ngược lại là tăng dân. "Ví dụ Trường đại học Cảnh sát, giãn dân ra đâu không giãn lại đưa về Q.7, xung quanh đã có các trường đại học, khu dân cư. Như vậy thì có phải là giãn dân không?", ông Mừng đặt vấn đề.

Ông Mừng cũng đặt câu hỏi vì sao nhiều năm qua đường Nguyễn Tất Thành, kết nối Q.7, Q.4 với khu trung tâm vẫn chưa được mở rộng. "Bên ngoài thì chật, bên trong Cảng Sài Gòn là đất kim cương nhưng không thể khai thác. Gần chục năm không mở rộng để người dân đi. Mỗi lần đi ngang bức tường cảng Sài Gòn là cảnh người rồng rắn chen chúc", ông Mừng nêu thực trạng.

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM - Ảnh 4.

Cử tri Nguyễn Xuân Mừng (P.Phú Mỹ, Q.7) nêu ý kiến về vấn đề giao thông tại địa phương

TRỌNG NGHĨA

Cử tri cũng đề cập việc chậm hoàn thành dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ gây ùn ứ trầm trọng vào giờ cao điểm. Ông Mừng cho biết: "Buổi sáng thì tắc đường ở ngã tư. Nhưng bên trong thì máy móc, công trường im lìm. Người dân không biết bao giờ mới xong".

Cử tri cũng cho biết Q.7 có lưu lượng lớn xe container, xe tải nặng chạy ngày lẫn đêm. Vào giờ cao điểm, cư dân đi làm, học sinh đi học, chung với xe tải nặng là rất nguy hiểm. Qua đó, ông đề nghị TP.HCM có phương án phân luồng xe tải nặng chạy theo khung giờ hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân.

Về vấn đề ngập lụt, cử tri Mừng cho rằng đây là vấn đề tồn tại rất lâu tại Q.7 nhưng chưa được giải quyết triệt để. Trong khi dự án chống ngập có vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng (tức dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) - PV) khởi công từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thấy hoàn thành. Đề nghị cơ quan chức năng, địa phương quan tâm đốc thúc.

Cử tri Lê Ngọc Anh (H.Nhà Bè) ý kiến về tình trạng kẹt xe khu vực xã Phước Kiển, cụ thể là cầu Rạch Đĩa 2 nối Nhà Bè và Q.7. Theo đó, hằng ngày, lượng lớn người dân di chuyển từ Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ cùng các xe tải nặng, dẫn đến ùn tắc và tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết mưa bão, ngập úng, triều cường.

Trong khi đó, dự án hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh được tin là giải quyết luồng xung đột xe cộ tại nút giao này vẫn chậm hoàn thành, gây tắc đường, ảnh hưởng quá trình đi lại của người dân.

Dự án chống ngập sẽ tiếp tục sau khi gỡ vướng

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, yêu cầu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri để có hướng xử lý.

Ông Phan Văn Mãi nói: "Tôi rất vui khi thấy cử tri nói ở cả những vấn đề lớn về luật pháp, vĩ mô và cả những vấn đề cụ thể về dân sinh như ngập nước, an sinh xã hội. Đây là những đóng góp thẳng thắn, để TP.HCM ngày một tốt hơn". Qua đó, ông đề nghị lãnh đạo các địa phương và sở ngành có liên quan phải có trách nhiệm đôn đốc vấn đề, giải quyết dứt điểm để kỳ tiếp xúc cử tri sau không phải đề cập tới nữa.

Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri

TRỌNG NGHĨA

Trong phần giải đáp các ý kiến của cử tri, ông Phan Văn Mãi đề cập về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Theo ông Mãi, dự án đã hoàn thành 93% khối lượng. Tuy nhiên nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên bị trì hoãn. Cụ thể, số tiền còn lại để hoàn thành dự án là khoảng 1.800 tỉ đồng. Song, nhà đầu tư không đủ tài chính, hợp đồng với ngân hàng không cho vay nữa do không trả gốc lãi đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2023, TP.HCM được giao và phân bổ hơn 68.000 tỉ đồng vốn đầu tư công và hiện đang xin cơ chế dành 5.700 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để "trả nợ" cho dự án này để sau đó, tiến hành thanh toán, nghiệm thu....

"Phía nhà đầu tư nói nếu khởi động lại, khoảng 6 tháng sẽ hoàn thành. Công trình vẫn tiếp tục làm nhưng cần phải tháo gỡ một số khó khăn thủ tục đầu tư", ông Mãi khẳng định.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhận định việc hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng chưa thể giải quyết hết các điểm ngập toàn thành phố. "Dự án chống ngập này chưa phải là hệ thống khép kín nên cần phải khảo sát để phát huy hết vai trò của công trình. Đề nghị 3 quận, huyện khảo sát và có đề nghị nâng đường lên hoặc giải pháp để xử lý giúp đời sống bà con tốt hơn", ông Mãi nói.

Về tình trạng giao thông, tổ chức phân luồng giao thông, ông Mãi cho biết các địa phương cần ghi nhận việc gì làm được thì làm ngay, có thể là tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong, tình nguyện viên vào giờ cao điểm.

Về việc kết nối Q.7 với trung tâm, ông Mãi cho hay TP.HCM đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, bao gồm giao thông trên địa bàn để kết nối Q.7 với Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, trung tâm TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất.

"Quy hoạch chung đang hoàn thiện và cần trình cho cơ quan thẩm quyền. Trong thời gian tới, quy hoạch TP.HCM hướng đến mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với TOD theo tinh thần Nghị quyết 98. Ý tưởng này đã được thống nhất, các ngành chức năng đang nghiên cứu để cụ thể hóa", ông Mãi cho hay.

Xem thêm: mth.746644041010132581-mchpt-irt-uc-cux-peit-o-gnon-ioh-ax-o-ahn-peihgn-taht-gnod-oal-coun-pagn/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngập nước, lao động thất nghiệp, nhà ở xã hội... 'nóng' ở tiếp xúc cử tri TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools