Đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 9
Trong tháng 9/2023, du lịch Việt Nam đã đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, đưa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, chỉ sau 3 quý đầu năm, ngành du lịch đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết với mục tiêu mới, những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng Việt Nam cần đón 1,1 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế, đặc biệt cao điểm tháng 12, dịp Giáng sinh và năm mới.
"Chúng tôi sẽ báo cáo bộ trưởng, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách cả năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu", ông Việt nói trên website của bộ này.
Việc điều chỉnh mục tiêu đón khách là điều rất bình thường. Các quốc gia đều có định hướng phát triển rõ ràng dựa trên biến động thực tế của thị trường, và sẽ đặt ra mục tiêu mới để tạo động lực hồi phục. Cơ sở điều chỉnh lên mục tiêu mới cho du lịch Việt Nam là rất rõ khi những chính sách visa mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phục hồi chung của du lịch thế giới.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12 triệu lượt đến 13 triệu lượt khách.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra chiều 9/10, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, du lịch Việt Nam có đầy đủ cơ sở để đạt được chỉ tiêu điều chỉnh này.
Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, căn cứ trên tình hình phát triển hiện nay, thông thường, khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm vào mùa từ tháng 10 năm nay sang tháng 4 năm sau, Cục Du lịch Quốc gia nhận thấy cần thiết cần tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế để du lịch phát triển cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, đại diện của Cục Du lịch Quốc gia cho biết, 4 cơ sở để tăng mục tiêu đón 12 đến 13 triệu khách quốc tế năm 2023: Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8/2023; Chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới hết sức hiệu quả; Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế; Các thị trường lớn đã mở cửa và phục hồi, cũng là các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ đem lại nguồn khách lớn.
Điểm sáng của ngành du lịch
Thông tin trên báo Nhân Dân, cũng tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, điểm sáng của ngành du lịch là đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch được hoàn thành như Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023,…
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết, trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế.
Để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn nữa, góp phần hoàn thành mục tiêu mới đề ra, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho hay, trong những tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến quảng bá, đặc biệt là vào các thị trường mục tiêu.
Đặc biệt, với thị trường khách du lịch Tây Âu, cơ quan du lịch quốc gia cùng với các doanh nghiệp du lịch đang tích cực chuẩn bị cho Hội chợ Du lịch Thế giới (WTM) sẽ diễn ra tại London (Anh) vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc và ASEAN với Hội chợ Du lịch Trung Quốc-ASEAN sẽ diễn ra tại Quế Lâm (Trung Quốc) trong tháng 10. Các thị trường khác như Mỹ, Australia hay Ấn Độ cũng là các thị trường rất sôi động và đầy hứa hẹn trong những tháng cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong nước cũng cho rằng mục tiêu mới 13 triệu lượt khách cần được công bố nhanh chóng, tạo động lực để các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút khách quốc tế trong những tháng cuối năm.
Hiện nay, dù du lịch đang có đà phục hồi nhưng bức tranh vẫn rất khó khăn khi thống kê cho thấy nhiều khách sạn 4-5 sao vẫn đang có công suất phòng còn thấp, khách đến chưa nhiều. Các dịch vụ chuyên phục vụ cho khách inbound, tức khách quốc tế đến Việt Nam, vẫn chưa mở cửa trở lại.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chủ yếu từ thị trường châu Á với hơn 6,8 triệu lượt du khách, tiếp đó là khách đến từ châu Âu đạt hơn 1 triệu lượt, thị trường châu Mỹ đạt 682.000 lượt khách.
Theo số liệu trên báo VnExpress, trong top 10 thị trường hàng đầu, các thị trường ở Đông Bắc Á chiếm nhiều nhất với bốn thị trường: Hàn, Trung, Đài Loan (322.000), Nhật Bản (241.000). Đông Nam Á có ba đại diện vào top là Thái Lan (266.000), Malaysia (232.000), Campuchia (198.000). Australia xếp thứ 9 với 185.000 lượt và thứ 10 là Ấn Độ.
Tại thị trường châu Âu, những nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất dù không nằm top 10 là Anh (gần 130.000 lượt), Pháp (gần 106.000) và Đức (99.200). Thị trường khách Nga đạt 62.000 lượt trong sáu tháng đầu năm, bằng 17% trước dịch.
Trúc Chi (t/h)