Xác định 3 đội vào bán kết
Từ trước đó hai tháng, ban tổ chức đã thông báo thể lệ và format cuộc thi để các đội dự thi. Đồng thời khuyến khích các trường để Gen Z sáng tạo các phần thi giới thiệu, hùng biện theo góc nhìn phù hợp lứa tuổi.
Sau lễ khai mạc là phần thi của bảng A giữa 3 đội Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2.
Ở phần giới thiệu (tối đa 10 điểm), nhóm thí sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đã mang khán giả từ thế hệ Gen Z với các trò chơi liên quân, quay TikTok ngược thời gian về với thời "ông bà anh".
Qua việc giới thiệu các thú vui, trò chơi ô quan, nhảy dây thời chưa có Internet đã đưa người xem về với bối cảnh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền xưa cũ. Từ đó giới thiệu được sự đổi thay, phát triển và tươi mới của môi trường học tập ở nhà trường hiện nay.
Trong khi đó, ở phần thi thứ 2 là trắc nghiệm - trả lời nhanh (tối đa 30 điểm), Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 tưởng chừng như lép vế, nhưng đã vươn lên mạnh mẽ với số điểm cao nhất trong ba đội tuyển bằng sự hiểu biết và phân tích chính xác các câu hỏi kiến thức rất khó từ ban tổ chức.
Kết quả chung cuộc, nhờ sự ổn định ở cả 4 phần thi, đội Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đã chiến thắng ở bảng A và trở thành đội đầu tiên góp mặt vào bán kết.
Tại vòng loại bảng B, bảng đấu được xem là bảng "tử thần" khi có sự góp mặt của các đội Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Trường THPT Phạm Phú Thứ.
Không ngoài dự đoán khi các đội vốn có truyền thống hùng biện và chinh chiến tại các cuộc thi dành cho lứa tuổi học trò đã thể hiện xuất sắc các phần thi giới thiệu và hùng biện.
Đặc biệt phần hùng biện được ban cố vấn đánh giá rất cao do nữ sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thể hiện. Tuy nhiên với kết quả đợt thi thứ 2 (trắc nghiệm - trả lời nhanh) không tốt, chung cuộc đội hạt giống Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã thua suýt soát đối thủ Trường THPT Hoàng Hoa Thám, để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả.
Tại bảng C, kịch tính được đẩy lên cao khi đội Trường THPT Tôn Thất Tùng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 và Trường THPT Hermann Gmeiner nhập cuộc sòng phẳng.
Đến phần thi thứ 3, kết quả có phần ngã ngũ khi đội Trường THPT Tôn Thất Tùng thể hiện được sự vượt trội hơn so với hai đối thủ. Theo đánh giá thì các phần thi của cả 3 đội đều đã mang tới sự tươi mới và đa dạng.
Chiến thắng nhờ chuẩn bị chu đáo
Bật khóc sau khi giành vé vào vòng bán kết, bạn Võ Trương Kiều Linh (lớp 11/6 Trường THPT Tôn Thất Tùng) cho biết đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc thi này.
Từ tháng 8, sau khi có thông báo và format chương trình được gởi về, đội thi đấu của trường đã được thành lập và chuẩn bị ôn luyện. Các tổ thi đấu kiến thức, giới thiệu và hùng biện được chia ra để có thời gian tập luyện.
Riêng Linh góp mặt trong nhiều nội dung thi đấu nên khi giành chiến thắng ở mỗi phần thi đều khiến em xúc động.
"Từ khi nhận thông báo bọn em đã tự lực chuẩn bị. Các thầy cô chỉ định hướng chứ không can thiệp, do vậy em thoải mái thể hiện theo góc nhìn của mình. Cùng với quá trình chuẩn bị, nhóm em ôn luyện 3 buổi như khi thi đấu để khỏi bỡ ngỡ khi lên sân khấu" - Linh cho biết.
Giành chiến thắng ở vòng bảng, Linh cho biết đội sẽ tiếp tục tập luyện để mang đến sự tươi mới ở các phần thi tiếp theo.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Bùi Xuân (nguyên phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cố vấn cuộc thi) đánh giá qua các phần thi của ba bảng đấu, ông bất ngờ với các kiến thức về lịch sử, văn hóa và địa lý của học trò Gen Z.
Ông Xuân cho rằng các đội thi nắm rất tốt các kiến thức giáo dục địa phương. Đồng thời qua các phần thi, các em thể hiện cho mọi người thấy văn hóa, lịch sử không hề khô khan.
"Trong các phần thi hùng biện, các em đã có sự diễn giải rất sinh động qua nhiều hình thức. Nhiều trường vừa thể hiện hiểu biết chính xác vừa có các thể hiện hùng biện phong phú. Đó là điều tôi rất tự hào về thế hệ Gen Z Đà Nẵng" - nhà nghiên cứu Bùi Xuân nhận xét.
Hoạt động ngoại khóa quá hay
Nhà nghiên cứu Bùi Xuân cho rằng hoạt động giáo dục địa phương cần thêm nhiều hình thức để thu hút học sinh như cuộc thi như Gen Z Xứ Quảng.
"Nhìn cuộc thi lôi cuốn các em, tôi rất vui vì biết nội dung và hình thức rất sát với tuổi trẻ. Sân chơi này giống như một kỳ ôn tập chương trình giáo dục địa phương cho các em. Khơi dậy trong các em những hiểu biết về quê hương đất nước" - ông Bùi Xuân nói.
Nhiều phần qua hấp dẫn
Cuộc thi "Gen Z Xứ Quảng" do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng, Đại học Duy Tân và báo Tuổi Trẻ đồng phối hợp tổ chức.
25 đội thi đến từ các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng sẽ được chia thành 8 bảng đấu để giành các suất vào bán kết và giành ngôi vô địch. Cuộc thi "Gen Z Xứ Quảng" diễn ra trong tháng 10 và 11, với tiền thưởng 12 triệu đồng cho đội giành ngôi vô địch.
Ngoài ra, đơn vị tài trợ PHI LONG TECHNOLOGY còn mang đến rất nhiều phần quà hấp dẫn, tổng trị giá giải thưởng lên đến 100 triệu đồng. Trong các buổi thi, khán giả cũng có cơ hội nhận các phần quà có giá trị cao từ nhà tài trợ trong chương trình giao lưu. 12 buổi thi sẽ được phát lại trên các nền tảng số của chương trình.
Học trò Đà Nẵng bùng cháy với sân chơi 'Gen Z Xứ Quảng' lần đầu được tổ chức. Sân chơi sôi nổi này sẽ diễn ra suốt tháng 10 và 11 giữa các trường trung học phổ thông.