Tháng 3 năm nay, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng bắt giữ một nhóm người, trong đó có một số người quê ở Bắc Giang có hành vi tàng trữ, vận chuyển, giết mổ cá thể hổ để nấu cao.
Tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã phức tạp, tinh vi hơn khi nhiều giao dịch được đưa lên không gian mạng. Nhiều trang mạng cá nhân hoặc các hội nhóm mạng xã hội rao bán công khai động vật hoang dã còn sống hoặc đã bị giết thịt.
Trên các nhóm ở Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) thường xuyên đăng tin, hình ảnh chào bán sóc, chim, cò các loại, heo săn từ rừng, rắn, cầy… giao hàng tận nơi nếu khách có nhu cầu.
Người địa phương vẫn dùng các loại bẫy để đánh bắt chim, thú. Một số nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ, cung cấp món ăn được chế biến từ động vật hoang dã. Đã đến mùa chim di cư, tình trạng săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư có xu hướng gia tăng. Có những người đi săn bẫy hàng trăm con chim di cư để bán cho các nhà hàng với giá 6.000 đồng/con.
Nhìn chung, những năm qua các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có xu hướng giảm song diễn biến phức tạp, thủ đoạn của những người săn bẫy, mua bán chim và thú ngày càng tinh vi. Thói quen sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc, làm cảnh vẫn còn phổ biến, nhà hàng vẫn bán sản phẩm từ động vật hoang dã.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức kiểm tra, gỡ bỏ các thiết bị bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư, kiên quyết dẹp các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim di cư trái pháp luật.
Để công tác bảo vệ động vật hoang dã đạt hiệu quả hơn, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã và chủ động đấu tranh, tố giác những vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cũng là cách hiệu quả.
TTO - Trước sự ra quân quyết liệt của cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh, vài năm nay nạn bắt chim tự nhiên trong mùa di cư đã được hạn chế tối đa.