Sáng 11-10, phát biểu khai mạc phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp dự kiến kéo dài 5 ngày và tập trung xem xét, cho ý kiến vào 16 nhóm vấn đề.
Bao gồm 12 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 sắp tới gồm các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2023, dự báo 2024, đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, đánh giá giữa nhiệm kỳ về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế 2021 - 2025.
Bên cạnh đó là cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách như tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán năm 2024, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
"Trong đó, có lộ trình, các phương án thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội. Dự kiến tiến hành từ 1-7-2024", ông Huệ nói.
Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.
"Liên quan sử dụng nguồn vượt thu của ngân sách trung ương năm 2022, có nguồn rất lớn dành 78.000 tỉ đồng bổ sung vào quỹ cải cách tiền lương", ông Huệ nói thêm.
Phiên họp này cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát năm 2023 thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một nội dung quan trọng khác, theo ông Huệ, là cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại nghị quyết 101/2023 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội...
Đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới. Bộ Chính trị sau đó đã có tiếp thu, giải trình về nội dung này.
Còn trong báo cáo của Chính phủ cho hay đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung (dự kiến thực hiện từ 1-7-2024).
Cụ thể gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Làm việc với TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thành phố phải có khát vọng lớn, từ đó mới có tư duy, tầm nhìn để thoát “bẫy” thu ngân sách 10.000 tỉ đồng.