Quy định xử phạt đã có nhưng cơ quan chức năng và chính quyền "than" khó xử lý, cho rằng đa số người sống bằng nghề xiệt cá là hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên "thông cảm" bỏ qua.
Vô tư xiệt cá như chốn không người
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn có kênh rạch chằng chịt, nhiều tôm cá. Trong thời gian dài do đánh bắt quá tay, lại sử dụng nhiều thuốc hóa học độc hại trong sản xuất nông nghiệp nên nguồn lợi thủy sản các loại ngày càng cạn kiệt. Để bắt được nhiều cá, không ít người đã sử dụng xung điện.
Ông N.V.T. ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), sống bằng nghề đánh bắt cá bằng xung điện hơn hai năm nay. Trước đây ông T. bắt tôm cá theo kiểu truyền thống, sử dụng các dụng cụ thô sơ như lưới, lờ, vó... Từ ngày nguồn tôm cá ngoài tự nhiên cạn kiệt, một số người chuyển sang xiệt điện có thu nhập cao nên ông T. cũng làm theo.
Mỗi ngày ông T. đeo bình xiệt trên vai, mang theo giỏ đựng cá rảo quanh các cánh đồng, ao đìa vùng ven TP Cà Mau để xiệt cá. Mỗi khi dòng điện được đưa xuống mặt nước, có hàng chục con cá lớn nhỏ trồi lên mặt nước, nằm phơi bụng. Ông T. chỉ vớt những con lớn rồi ung dung bỏ đi. Những con còn lại sẽ chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn, không lớn được.
Cuối ngày, ông T. trở về nhà với chừng dăm ký cá kiếm được, đem ra chợ bán được khoảng 500.000 đồng. "Tui biết dùng điện xiệt cá là bị cấm, không nên làm, tận diệt nhiều sinh vật khác nhưng vì mưu sinh, cuộc sống khó khăn nên nhắm mắt làm liều. Địa phương họ cấm, không cho làm, hễ thấy là phạt nên khi đi xiệt cá tui phải nhìn trước ngó sau", ông T. nói.
Trong khi đó, vào buổi trưa hoặc chập tối, ông Lý Cường thường vác bình ắc quy và cây chĩa dẫn điện rảo quanh các ao hồ ở khu vực phường 4 và 9, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) để xiệt cá.
Ông Cường cho biết đang làm thợ hồ, tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày, không đủ nuôi sống bốn miệng ăn. Để kiếm thêm tiền, tranh thủ những lúc không làm hồ, ông Cường đi xiệt cá.
Sau gần ba tiếng, ông Cường bắt được gần 4kg gồm cá lóc, rô, trê và ếch. Không tính phần để lại ăn, ông Cường bán được trên 300.000 đồng. Có hôm ông Cường còn chèo xuồng theo dòng sông Maspero ra tận dưới dạ cầu Quay ngay trung tâm TP Sóc Trăng để xiệt cá như chốn không người.
"Người ta thích mua cá đồng, bao nhiêu cũng bán sạch. Xiệt trên kênh rạch lâu dài cũng hết cá, tui đi kiếm mương ao của người dân. Thấy mình là họ đuổi, không cho xiệt nên phải tranh thủ "mần" lúc trời tối", ông Cường cho biết.
Chính quyền nói khó xử lý
Ông Lê Minh Chuyển - chủ tịch UBND xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), cho biết từ đầu năm đến nay địa phương đã xử lý bảy vụ dùng xung điện đánh bắt thủy sản, xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng.
"Xã Trần Phán có hệ thống sông ngòi nhiều, tiếp giáp nhiều địa phương khác nên các đối tượng thường lợi dụng đêm tối để xiệt điện. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẽ dùng ghe máy công suất lớn chạy qua các xã, huyện khác để tẩu thoát, rất khó bắt và xử phạt các đối tượng này", ông Chuyển thông tin.
Theo ông Mã Tấn Tài - huyện Cái Nước (Cà Mau), trước đây các đối tượng chỉ xiệt điện trong những con kênh nhỏ, bình điện không cần lớn. Còn bây giờ họ sử dụng công nghệ hiện đại, bình công suất lớn, con sò kích lên dòng điện mạnh, kích được xa hơn, sâu hơn nên những con sông lớn có độ sâu vài mét cũng xiệt được.
Ông Nguyễn Hoàng Đen - chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) - cho biết tình trạng các đối tượng ở địa phương khác trang bị ghe máy công suất lớn theo các tuyến sông của địa phương để xiệt điện vẫn còn. Lực lượng tại chỗ không có các phương tiện công suất lớn nên việc truy bắt cũng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Việt Triều - chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, vấn nạn dùng xung điện đánh bắt tôm cá trong thời gian qua ở Cà Mau vẫn còn diễn ra. Mỗi năm lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện, xử phạt hàng chục vụ. Đa số các đối tượng lợi dụng đêm tối để xiệt điện kết hợp với lưới kéo để bắt cá.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức vây bắt, chốt chặn, xử lý các đối tượng. Tuy nhiên các đối tượng thường trang bị các ghe máy có công suất lớn, chạy rất nhanh, hoạt động tinh vi nên cũng gây khó khăn cho công tác xử lý", ông Triều than.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Lam, phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang, thừa nhận vẫn còn tình trạng đánh bắt thủy sản tận diệt bằng hình thức xiệt điện. Theo bà Thùy Lam, hằng năm chi cục có tổ chức các hội nghị triển khai lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát tờ rơi... Trước và sau các đợt thả cá ra tự nhiên cũng có tổ chức tuyên truyền, có kiểm tra.
"Những người này phần lớn là người nghèo, không có đất sản xuất họ mới đi xiệt cá và thường xiệt vào mùa nước nổi khi cá tự nhiên nhiều. Họ hiểu được tác hại, hiểu mức xử phạt nhưng vì mưu sinh buộc phải làm", bà Lam nói.
Vắng bóng xuyệt điện tại "lễ hội" bắt cá Trị An
Sau hơn 40 ngày xả tràn liên tục, sáng 10-10, Công ty Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) kết thúc xả nước qua tràn để điều tiết hồ chứa.
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm người dân địa phương và các tỉnh lân cận đã tụ tập xung quanh chân đập tràn với nhiều loại ngư cụ khác nhau chuẩn bị săn bắt "lộc trời". Ngay khi nhà máy ngừng xả, cả ngàn người lao xuống nước bắt cá, mỗi người chiếm cứ một vùng nước để thử vận may.
Theo người dân địa phương, lượng cá năm nay không nhiều và đa dạng như các năm trước song ai nấy đều vui. Trong đó nhiều người may mắn bắt được cá khủng nặng hơn 10kg, trị giá vài triệu đồng.
Điểm đặc biệt của "lễ hội" bắt cá năm nay là vắng bóng đội quân xuyệt điện, ngư cụ bị cấm sử dụng. "Không có xuyệt điện sẽ công bằng hơn, ai cũng có cơ hội bắt được cá lớn, mà cũng góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản" - anh Hiếu, người dân xã Mã Đà, nói.
Ông Thái Bình Dương - phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu - cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, khi Thủy điện Trị An ngừng xả tràn, các xã Hiếu Liêm, Mã Đà và thị trấn Vĩnh An gần cửa đập tràn tổ chức lực lượng chốt trực, ngăn người dân đánh bắt cá bằng xung điện.
Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền qua đài phát thanh. Đồng thời phối hợp lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (đơn vị quản lý lòng hồ Trị An) kiểm tra, xử lý những người đánh bắt cá bằng xung điện. Nhờ vậy hạn chế nhiều tình trạng sử dụng xung điện đánh cá trái phép của người dân.
TTO - Đầy rẫy hình ảnh làm xấu bộ mặt đô thị ở TP.HCM, có những hành động ngang nhiên, thách thức dư luận và các quy định pháp luật.