Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhắc lại, kể từ năm 2004, ngày 13-10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng.
Nhiều thương hiệu lớn vươn tầm khu vực
Đến nay, đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiêu biểu có: Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022.
Doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Đáng chú ý, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như: FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn. Tiêu biểu như: Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food…, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.
Tuy vậy, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp dự kiến sang cả năm 2024. Ông Dũng chỉ ra các vấn đề lớn như việc sụt giảm đơn hàng do cầu thị trường suy yếu, đặc biệt là ngành xuất khẩu chủ lực.
Áp lực chi phí và khó khăn trong tiếp cận vốn. Vướng mắc về pháp lý, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Các quy định về tiêu chuẩn xanh, bền vững, gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại...
Doanh nhân có vai trò đưa kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển
Trong bối cảnh tình hình mới như vậy, đánh giá về vai trò của các doanh nhân thời kỳ đổi mới, ông Công cho rằng sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp là hướng tới và thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
"Giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội" - chủ tịch VCCI bày tỏ.
Đó là việc sắp xếp lại chuỗi giá trị quốc tế - tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.
Vì vậy, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, ông Công cho rằng đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới doanh nhân, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, điều mà các doanh nghiệp mong muốn là tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi…
Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương. Trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hướng tới chính sách phát triển bền vững.
Đồng tình, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh các giải pháp là cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Dũng, các giải pháp bao gồm tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường, khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp. Và đặc biệt, một trong những giải pháp căn cốt là hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội....
Giai đoạn 2019-2021, nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước dù chỉ chiếm 0,075% số doanh nghiệp tư nhân cả nước nhưng đóng góp 12% lao động, 28% tổng tài sản và 18,4% doanh thu.