vĐồng tin tức tài chính 365

Người mẹ cầu cứu vì mất quyền nuôi con dưới 3 tuổi

2023-10-11 18:08

Ngày 9/10, chị Trinh (nhân viên kế toán công ty tại Bình Dương) đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM cầu cứu, nhờ Chi hội luật sư của đơn vị bảo vệ, giúp giành quyền nuôi con ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Chị cho biết đã phải sống trong đau khổ hơn một năm nay, kể từ ngày bị cha của con trai tách khỏi bé. Những lần muốn thăm con, chị đều bị anh và gia đình gây khó khăn. Chị đã khởi kiện, yêu cầu được quyền nuôi dưỡng con nhưng tòa không chấp nhận vì cho rằng "điều kiện kinh tế không bằng cha bé".

Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 9 của TAND TP Thuận An (Bình Dương), năm 2020 chị Trinh và anh Quyết, 35 tuổi, sống với nhau như vợ chồng tại thị xã Tân Uyên. Họ đã về quê chị ở Bình Định tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn.

Chị Trinh khai với tòa, từ khi mới sống với nhau cả hai đã thường xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm. 6 tháng sau đám cưới chị bị anh đuổi ra khỏi nhà dù biết đang mang thai. Chị về quê ở nhờ nhà cha mẹ ruột rồi vào Sài Gòn tiếp tục đi làm để kiếm tiền sinh con.

Thời gian trước và sau sinh, anh Quyết đưa chị về sống cùng nhưng họ vẫn thường xuyên cãi vã do anh thường xuyên liên lạc với người phụ nữ khác, không cùng vợ quan tâm chăm sóc con. Chị bế con về nhà ngoại sống một thời gian, sau đó vì muốn hàn gắn tình cảm với anh nên cùng con quay lại.

Không lâu sau, ngày 17/5/2022, nhân lúc chị đi làm, cha đứa bé và gia đình anh đã mang quần áo của chị ra đường, khóa trái cửa không cho vào. Sau đó họ đưa con trai chị đi đâu không rõ. Chị nhiều lần liên lạc với anh để xin thăm con nhưng bị gia đình anh gây khó dễ, cản trở. Khi họ cho chị đến gặp con thì khóa trái cửa, nhốt chị trong nhà. Mỗi lần chị đề nghị được mang con đi thì gia đình anh chửi bới, xúc phạm, đuổi đi.

Chị trinh gửi đơn cầu cứu đến Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM ngày 9/10. Ảnh: Hải Duyên

Chị Trinh (phải) cầu cứu Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM ngày 9/10. Ảnh: Hải Duyên

Khai với tòa, anh Quyết thừa nhận quá trình chung sống hai người có nhiều bất đồng quan điểm, thường xảy ra mâu thuẫn. Cũng vì vậy anh đã không tổ chức đám cưới phía nhà trai, không đăng ký kết hôn. Theo anh, trước và sau khi cưới chị Trinh không có công việc ổn định, mọi sinh hoạt anh phải chu cấp.

Do không còn tình cảm, anh đồng ý tòa không công nhận quan hệ hôn nhân với mẹ cháu bé và muốn được trực tiếp nuôi con. Bởi anh có thu nhập và chỗ ở ổn định, con trai đang được anh và gia đình chăm sóc, phát triển tốt.

TAND TP Thuận An đã áp dụng Án lệ 54/2022 về việc xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, tuyên giao bé trai cho người cha nuôi dưỡng. Chị Trinh được phép thăm nom, chăm sóc con và "không ai có quyền được cản trở".

Theo HĐXX, giữa chị Trinh với cha và bà nội cháu bé đã có sự mâu thuẫn trầm trọng dẫn đến xô xát nhau. Ngày 17/5/2022, người cha đã mang cháu bé đi nơi khác và sống tại TP Thuận An. Từ đó đến nay cháu bé được cha và bà nội chăm sóc nuôi dưỡng, hiện phát triển ổn định. Người cha có nhà riêng và điều kiện kinh tế tốt hơn. Trong khi đó người mẹ đang sống tại nhà trọ, đi làm giờ hành chính, sẽ không đảm bảo về thời gian chăm sóc con một cách toàn diện; đồng thời gây sự xáo trộn về môi trường sống ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

"Mặc dù theo khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng... Nhưng xét về mặt tổng thể cháu bé được sống cùng cha sẽ có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần", bản án nêu.

Không đồng ý với phán quyết của tòa, chị Trinh đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án, chấp nhận cho chị quyền được nuôi con.

Chị cho rằng, hiện anh Quyết vẫn gây khó khăn, không cho chị thăm con tại nơi cháu sống mà chỉ được đến nhà của người thân do anh ấn định. Hơn nữa, anh chỉ cho chị đến thăm con vào các buổi trưa trong tuần, hoặc một buổi tối cuối tuần, trong khi buổi trưa chị đi làm.

"Tôi đã sống trong những ngày vô cùng đau khổ vì nhớ con. Ngày anh ấy bắt con đi tôi không được biết cháu sống ở đâu, phải thuê xe ôm chở đi tìm khắp nơi. Tôi muốn đến thăm con nhiều hơn nhưng không được", chị nói.

Người mẹ cho biết, hiện chị có công việc làm kế toán cho một công ty với mức lương ổn định 15 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chị còn nhận làm thêm dịch vụ liên quan đến kế toán. Công việc của chị khá linh động, không nhất thiết phải làm việc tại công ty nên có nhiều thời gian chăm sóc con. Hơn nữa, nếu được quyền chăm sóc con, chị còn có người cháu (đang sống cùng) và mẹ ruột ở quê vào giúp đỡ.

"Án lệ 54/2022 giao con cho cha nuôi dưỡng là đối với trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con - người vợ tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại con mới 4 tháng tuổi cho chồng nuôi dưỡng. Còn tôi chưa bao giờ từ bỏ việc nuôi dưỡng và chăm sóc con một ngày nào", chị Trinh phân trần.

Trả lời với VnExpress, người cha nói có ấn định cho mẹ cháu bé đến thăm con tại nhà của người thân và giám sát vì sợ chị lại "bế con đi nơi khác khiến cuộc sống của cháu không được ổn định, đầy đủ".

"Cô ấy từng bế con đi về nhà ngoại và ở nhờ nhà người khác làm phiền gia đình họ. Tôi muốn con được sống trong điều kiện đầy đủ nhất. Tôi không quan tâm việc cô ấy cầu cứu gì. Tôi chỉ tập trung vào việc đi làm để lo cho con", cha bé trai nói.

Hiện, Chi hội luật sư Hội liên hiệp phụ nữ TP HCM đã cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Trinh.

Hải Duyên

* Tên người cha đã thay đổi

Xem thêm: lmth.2882664-iout-3-ioud-noc-ioun-neyuq-tam-iv-uuc-uac-em-iougn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người mẹ cầu cứu vì mất quyền nuôi con dưới 3 tuổi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools