Mức điểm 1.150 – 1.160 của VN-Index đang là vùng kháng cự, áp lực bán có thể gia tăng tại khu vực này.
Mở cửa giao dịch, tuy chỉ số VN-Index giữ được sắc xanh nhưng thanh khoản gần như mất hút khi nhà đầu tư chủ động đứng ngoài bên lề thị trường.
Gần cuối phiên sáng, thanh khoản bán chủ động tăng mạnh và kéo dài cho đến gần cuối phiên chiều khiến VN-Index đảo chiều giảm về dưới mốc tham chiếu.
Phiên này, khối ngoại cũng có sự thận trọng khi chỉ mua ròng 37 tỉ đồng cổ phiếu, tập trung mua các mã DXG, SSI, IDC…
Tuy vậy, nhờ trong số 30 cổ phiếu lớn (nhóm VN30) có 26 mã tăng giá, rồi lan tỏa xu hướng này đến nhiều cổ phiếu khác, giúp thị trường giành lại sắc xanh
Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 7.12 điểm (+0,62%, lên 1.150. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt mức thấp khi chỉ có 543 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết mức điểm 1.150 – 1.160 của VN-Index được đánh giá là vùng kháng cự trong ngắn hạn và áp lực bán có thể gia tăng bất ngờ tại khu vực này.
"Thế nên nhà đầu tư tiếp tục giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức an toàn từ 20% – 30% tài khoản và cần bám sát diễn biến thị trường để lướt sóng ngắn hạn nếu xuất hiện áp lực bán trở lại"- ông Nguyễn Quốc Bảo, chuyên viên phân tích cấp cao (VCBS) tư vấn.
Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhận xét thanh khoản phiên ngày 11-10 chỉ bằng 60% giá trị giao dịch bình quân 1 tháng qua. Thế nhưng, chỉ số VN-Index vẫn đi lên nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Đồng thời, các nhóm dầu khí, ngân hàng, cao su, thép, ... tăng điểm nhẹ cũng góp phần vào đà tăng của thị trường.
"Rạng sáng ngày 12-10, Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ. Thông tin này sẽ phản ánh sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới và tác động nhất định đến chứng khoán quốc tế, ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam"- ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư TCSC nhận định.
Đề cập việc gần đây nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhiều hơn mua, ông Trung cho biết cuối năm 2022, khối ngoại đã bắt đáy giá cổ phiếu với giá trị gần chục tỉ USD và hiện tại có mức lời tốt nên họ mạnh tay bán ra.
"Nếu so sánh tỉ suất thực của các thị trường chứng khoán trừ đi sự mất giá của nội tệ thì Việt Nam đang vượt trội so với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia… vì từ đầu năm 2023 đến nay VNĐ mất giá khoảng 3%, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại tỉ giá VNĐ/USD còn nóng lên trong thời gian tới nên họ có xu hướng bán cổ phiếu rút tiền từ về nước sở tại"- ông Trung phân tích
Xem thêm: mth.24841456111013202-tuh-tam-noc-eht-oc-neit-gnod-01-21-naohk-gnuhc-hnid-nahn/et-hnik/nv.moc.dln