Sai phạm tràn lan tại Cồn Vành
Theo ông Tô Mạnh Biên, Trưởng ban Quản lý KDLST Cồn Vành, trước những năm 2012, tại khu vực bãi biển Cồn Vành (thuộc xã Nam Phú, H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), một số hộ đấu bãi nuôi ngao, sau đó tự ý dựng lán, quán để kinh doanh nhưng bão lũ đã quét sập. Lúc này các hộ chưa hết thời gian thuê bãi nên chính quyền huyện đã quyết định xóa bỏ toàn bộ lán, quán vì gây phản cảm.
Để giải quyết cho các hộ kinh doanh, đầu năm 2013, UBND H.Tiền Hải làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cho phép huyện xử lý khu bãi có diện tích 2.249 m2 của khu vực dịch vụ 3 chia làm 10 lô. UBND tỉnh Thái Bình đồng ý phương án này.
Cũng trong năm 2013, UBND H.Tiền Hải đã thực hiện đấu giá, trong đó tập trung toàn bộ các hộ có lều, lán bị bão phá hủy đến đăng ký. Có 10 hộ trúng đấu giá. Mỗi hộ thuê 1 lô đất, giá 10 triệu đồng/năm, các hộ thuê trong 7 năm, nộp 1 lần ngay sau khi trúng đấu giá. Theo đó, khoảng gần 500 triệu đồng được trích cho UBND xã Nam Phú còn gần 200 triệu đồng chuyển về UBND H.Tiền Hải.
Theo công văn số 47 của Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, chỉ cho phép làm lều lán như hình thức cũ đối với 10 lô đất này.
Tuy nhiên, xét điều kiện khí hậu nên các hộ kinh doanh có đơn đề xuất phương án xây dựng 2 tầng, phía dưới đổ cọc bê tông, phía trên làm nhà sàn nhưng phương án này không thành.
Cuối cùng, có 9/10 hộ đã tự ý xây dựng những ngôi nhà kiên cố để kinh doanh, 1 hộ thực hiện đúng chỉ đạo của huyện là xây dựng lều, lán bằng tre, nứa lá. Các hộ dân chủ yếu kinh doanh dịch vụ ăn uống, sau này biến tướng, tầng 1 kinh doanh ẩm thực, tầng 2 cải tạo kinh doanh nhà nghỉ.
Theo hồ sơ, cuối năm 2019 là hết hạn thuê đất nên UBND H.Tiền Hải ra văn bản thông báo hết hạn, đề nghị các hộ tháo dỡ; tuy nhiên sau đó chính quyền cũng không có động thái gì còn các hộ dân vẫn tiếp tục kinh doanh mà không có bất kỳ đóng góp gì cho Nhà nước.
Nhập nhèm đất của KDLST Cồn Vành và đất cho thuê trồng rừng
Theo ghi nhận của PV, tại khu bãi tắm biển Cồn Vành không chỉ có 10 hộ xây dựng kiên cố để kinh doanh mà còn "mọc lên" các lều, quán bằng tre, nứa khác.
Qua tìm hiểu, được biết trong số những hộ dựng lán kinh doanh có ông Tô Văn Long (trú tại H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Long cho biết, năm 2001, UBND xã Nam Phú đã ký hợp đồng giao cho ông Long 38,4 ha đất để ông trồng rừng và khai thác sinh lợi của đất. Hợp đồng kéo dài 26 năm. Hợp đồng thỏa thuận khi nào thu hoạch sẽ trích lại trả 30% lợi nhuận cho UBND xã Nam Phú.
Sau khi ký hợp đồng, ông Long đã trồng rừng và xây dựng nhà cho công nhân ở. Đến năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình giao cho UBND H.Tiền Hải lập dự án KDLST Cồn Vành. Việc thành lập dự án KDLST Cồn Vành khiến cho toàn bộ diện tích mà ông Long ký hợp đồng với xã trước đó đều nằm trong dự án.
Sau khi lập dự án xong, chính quyền huyện không cho ông Long xây dựng trên đất.
"Năm 2012, nhiều đoàn công tác của huyện đã về kiểm đếm tài sản của tôi trên đất (chủ yếu là cây phi lao) để thực hiện bồi thường cho tôi và thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên rất nhiều lần kiểm đếm, tài sản gồm hơn 90.000 cây phi lao và nhà bảo vệ cùng những khoản tiền gia đình tôi đã mua giống, cải tạo đất, chăm sóc cây... nhưng đến nay họ vẫn không giải quyết cho gia đình tôi dù có rất nhiều văn bản chính quyền ban hành", ông Long bức xúc.
Do đó, ông Long cho rằng phần đất của KDLST Cồn Vành vẫn thuộc quỹ đất hộ gia đình ông đang quản lý để trồng rừng. Năm 2017, ông Long cho 4 hộ dân thuê đất dựng lán kinh doanh, số tiền các hộ thuê, ông dùng để trang trải trả cho người trồng rừng.
Đầu năm 2023, khi thấy tình trạng sạt lở diễn ra quá mạnh, hộ gia đình ông Long đã đổ bê tông kè bờ, sau đó tiếp tục cho 4 hộ dân trên dựng lán kinh doanh.
Theo ông Long, từ năm ký hợp đồng với xã Nam Phú để trồng rừng đến nay, gia đình ông chưa 1 lần thu hoạch được cây vì khi cây vừa lớn thì bão, gió lại ập đến, phá hỏng toàn bộ. Mỗi lần như vậy gia đình ông lại phải trồng lại tốn kém tiền và công sức.
Vướng mắc
Ngày 21.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Việt Huy, Phó chủ tịch thường trực UBND H.Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) cho biết, năm 2019, UBND H.Tiền Hải đã có thông báo hết hạn thuê đất đối với 10 lô đất bãi tại KDLST Cồn Vành và không gia hạn thêm nữa. Ngoài ra vấn đề liên quan đối với trường hợp của hộ ông Long cũng còn một số vướng mắc chưa thể xử lý ngay.
Ông Huy cũng cho biết giao ông Tô Mạnh Biên, Trưởng ban Quản lý KDLST Cồn Vành trực tiếp làm việc với PV.
Ngày 3.10, trả lời Báo Thanh Niên, ông Tô Mạnh Biên cho biết, năm 2017 UBND tỉnh Thái Bình giao Ban Quản lý KDLST Cồn Vành quản lý tự chủ 100% kinh phí, trong đó không giao nguồn thu ngoài nguồn thu từ kinh phí bãi xe theo giá nhà nước.
Do nguồn kinh phí phục vụ cho việc tôn tạo, sửa chữa khu vực bãi biển Cồn Vành gặp nhiều khó khăn, đồng thời để chống biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở, năm 2018, Ban Quản lý KDLST Cồn Vành đã huy động được 5 hộ dân dùng luồng, tre để cắm kè. Đổi lại, Ban Quản lý KDLST Cồn Vành cho những hộ dân này mượn đất để kinh doanh, bán hàng phục vụ khách du lịch đến thăm nhưng không được bao lâu, những lán này đã bị bão quét qua, làm sập toàn bộ.
Đến năm 2021, Ban Quản lý KDLST Cồn Vành tiếp tục thỏa thuận với 5 hộ trên, mỗi hộ tự giác nộp 2 - 3 triệu đồng (đặt cọc) tùy thuộc vào diện tích đã mượn bãi để dựng lán tre, nứa và phủ bạt để kinh doanh.
"Theo thỏa thuận giữa chúng tôi và người dân, việc mượn bãi diễn ra từng năm, đến khi chính quyền yêu cầu thu hồi đất thì các hộ phải tự giác tháo dỡ, nếu không thực hiện, chúng tôi sẽ dùng chính kinh phí các hộ này từng đưa trước đó để thuê máy móc phá dỡ, dọn dẹp hiện trường", ông Biên cho biết.
Đối với một số hộ dân thuê đất của ông Long, theo ông Biên, Ban quản lý không có thẩm quyền giải quyết việc này nên việc quản lý gặp rất khó khăn.
Theo ông Tô Mạnh Biên, hợp đồng thỏa thuận giao đất trồng rừng giữa xã Nam Phú và hộ gia đình ông Long thì H.Tiền Hải không nắm được. Đã có giai đoạn nhiều đoàn công tác của huyện, tỉnh về thực hiện kiểm đếm các gốc cây của ông Long để thanh lý hợp đồng, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Việc quản lý KDLST Cồn Vành bị chồng chéo với đất ông Long được giao phát triển trồng rừng khiến việc quản lý của ban rất khó khăn.
"Tôi đề nghị chính quyền các cấp cần làm rõ với hộ gia đình ông Long để có thể lấy lại được quỹ đất nhà nước, phát triển kinh tế", ông Biên cho biết.
Năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch chung KDLST Cồn Vành với diện tích 1.696,1 ha được giới hạn: phía bắc giáp Cồn Thủ, phía nam giáp cửa Ba Lạt, phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp đê PAM.
Được chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009 theo quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 26.6.2009 của UBND tỉnh Thái Bình, với diện tích 1.696,1 ha, Cồn Vành được chia làm 2 phân khu chính là phân khu nghỉ dưỡng và phân khu vui chơi đồng thời nơi đây là khu dự trữ sinh quyển của quốc gia.