Chính sách năng lượng và thực thi còn bất cập
Báo cáo chuyên đề giám sát, ông Lê Quang Huy - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - đánh giá đã có nhiều chính sách pháp luật về năng lượng được ban hành, nhưng còn hạn chế bất cập.
Việc thể chế hóa quan điểm của Đảng chưa toàn diện, quy định còn chung chung, thiếu thống nhất, chưa sát thực tế, quá trình lập quy hoạch chưa đáp ứng tiến độ. Việc thực hiện chính sách pháp luật còn tồn tại, hạn chế. Đảm bảo an ninh năng lượng còn nhiều thách thức, nhập khẩu năng lượng tăng.
Đặc biệt, xu hướng phụ thuộc nhập khẩu than ngày càng lớn, có khả năng thiếu điện. Việc triển khai quy hoạch năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng chưa kịp thời, hạ tầng điện thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, dù gần đây Chính phủ chỉ đạo rốt ráo việc xây dựng đường dây truyền tải 500kV mạch 3. Thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn chỉnh, giá điện chưa tính toán đầy đủ kịp thời, còn duy trì bù chéo giữa giá sinh hoạt và giá sản xuất, công nghiệp...
Từ thực tế đó, đoàn giám sát nhấn mạnh cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan. Giải pháp là huy động vốn, giải quyết dứt điểm mất cân đối tài chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trọng điểm; thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh…
Bày tỏ chưa thỏa mãn về kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi việc ban hành nghị quyết giám sát về năng lượng liệu có khác khi không có nghị quyết. Bởi nhiều nội dung vấn đề được nêu trong báo cáo giám sát "chưa rõ" và "mang tính định tính rất nhiều".
Kết hợp với chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ông Huệ đặt vấn đề một loạt dự án năng lượng nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn đã chỉ ra, vậy trong báo cáo giám sát này đã làm rõ được hay chưa?
Ông chia sẻ vừa mới đi Cần Thơ về, thực tế chuỗi khí điện Lô B và Ô Môn, cả thượng, trung nguồn và hạ nguồn đều tắc giữa PVN, EVN và các bộ ngành.
Giám sát cần làm rõ được trách nhiệm
“Giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm, nhưng tôi đếm chỉ 8 dòng trong dự thảo nghị quyết mà cũng nói chung chung” - ông Huệ chỉ ra các pháp luật chính sách nhiều nhưng nội dung nào trọng tâm nào thì chưa rõ.
Đơn cử như việc đánh giá thực thi quy hoạch điện 7, hiện cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đang chỉ ra loạt sai phạm. Hoặc đã có quy hoạch 8 nhưng kế hoạch triển khai đã có hay chưa?
Quy hoạch phải rõ về danh mục, nhưng địa phương phản ánh không có danh mục gì. Có ý kiến cho rằng có quy hoạch nhưng không triển khai gì, liệu có đúng không? Nguồn lực thực hiện quy hoạch ra sao, vì nội dung mới chỉ mang tính "phấn đấu", "không có cam kết gì cả".
"Sau giám sát cần phải có chuyển biến thiết thực, cần chỉ ra được trọng tâm là gì chứ cả ngành năng lượng thì “vô cùng, vô tận” lắm. Không giám sát thì thôi, chứ giám mà không sát thì phải chịu trách nhiệm khi không phát hiện, chấn chỉnh từ bây giờ. Ban hành nghị quyết phải chỉ ra việc lớn phải làm, phải cụ thể. Liệu sau nghị quyết này có tạo chuyển biến gì và hậu giám sát sẽ thế nào?" - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Nêu quan điểm, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng băn khoăn khi quy hoạch điện 8 lại "chạy trước" quy hoạch năng lượng. Vì vậy, ông đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá chất lượng các quy hoạch này, qua quá trình giám sát cần khắc phục được tình trạng quy hoạch tổng thể trước rồi mới tính quy hoạch phân ngành. Hoặc trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo với cơ chế giá FIT, khi có kiến nghị của 36 nhà đầu tư.
Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, điện sản xuất ra nhưng thiếu lưới truyền tải, các nhà đầu tư không bán điện được lên lưới, vậy trách nhiệm thế nào? Việc hưởng giá FIT có công bằng, đúng nguyên tắc hay không? Có sự lãng phí, thất thoát nguồn lực không?
"Về cơ cấu giá điện, kế hoạch thực hiện thị trường điện cạnh tranh đã đưa ra, nhưng lộ trình này thực hiện ra sao, cái gì đúng, cái gì chưa đúng? Đoàn giám sát có nêu nhưng chưa có số liệu để định lượng. Có chuyện người tiêu dùng đang phải bù giá cho sản xuất hay không?" - ông Thanh đặt câu hỏi.
Trong khi nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang lãng phí, không được huy động nhưng lại đi nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc liệu có hay không vướng mắc thủ tục, quy trình và bất cập của ngành điện?