Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu m3 xăng dầu
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, Việt Nam nhập khẩu hơn 826.319 m3 xăng dầu, đạt 783 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 21% về giá trị so với tháng 8. So với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam tháng này vẫn tăng 31,5% về lượng và tăng 27% về giá trị.
Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9 đạt 948 USD/m3, tăng 4,8% so với tháng 8 nhưng giảm 2,4% so với tháng 9/2022. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, giá xăng dầu nhập khẩu đi lên và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay.
9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu m3 xăng dầu, tương đương 6,65 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 9 tháng đầu năm ở mức 829 USD/m3, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2022,
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu ở đâu nhiều nhất?
Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia là ba nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Trong tháng 9, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc 355.540 m3 xăng dầu, trị giá hơn 333 triệu USD, tăng 83% về lượng và 66% về kim ngạch.
Tính chung 9 tháng, Việt Nam đã chi trên 2,7 tỷ USD để nhập 3,3 triệu m3 xăng dầu, tăng 29,1% về lượng nhưng giảm 1,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, lượng hàng mua từ Hàn Quốc chiếm 41,1% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Bình quân giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 818 USD/m3, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng ở vị trí thứ hai là Singapore, chỉ trong 9 tháng nước này đã cung cấp cho Việt Nam 1,8 triệu m3 xăng dầu, tương ứng hơn 1,5 tỷ USD, tăng 91,6% về lượng và tăng 57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong các thị trường. Lượng hàng mua từ Singapore chiếm 22,7% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.
Thị trường xếp thứ 3 trong cơ cấu nhập khẩu xăng dầu các loại của Việt Nam là Malaysia. Cụ thể, nước ta nhập khẩu mặt hàng này đạt 1,4 triệu m3, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 47,6% về lượng và 29% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Malaysia chiếm 17,5% cơ cấu các thị trường nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, theo báo Công Thương.
Giá xăng dầu trong nước và thế giới biến động
Theo báo Thanh Niên ngày 12/10, giá xăng dầu giữ đà giảm, giá dầu Brent tương lai giảm 1,83 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 85,82 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,48 USD, tương đương 2,9%, xuống mức 83,49 USD/thùng.
Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi xung đột ở Trung Đông đã hạ nhiệt sau khi nhà sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Ả Rập Xê Út cam kết giúp ổn định thị trường. Thông tin trên Reuters cho hay, "ông lớn" dầu mỏ này đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế để ngăn chặn sự leo thang và tái khẳng định nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ.
Thời gian gần đây một số dự đoán vẫn cho rằng, giá dầu sẽ đạt mốc 100 USD/thùng nếu tình hình ở Trung Đông leo thang hơn nữa. Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại Oanda nhận xét con đường phục hồi tăng trưởng toàn cầu đang trở nên khó khăn hơn. Bởi tiêu dùng ở Mỹ vẫn khá yếu và nước Đức có thể rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn. Dự trữ dầu thô của mỹ tăng gần 13 triệu thùng trong tuần trước. Mới đây, chính phủ Đức xác nhận dự đoán nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,4% trong năm nay do lạm phát cao kéo dài.
Về thị trường xăng dầu trong nước, hôm qua (11/10), liên Bộ Công thương - Tài chính đã cho điều chỉnh giảm đồng loạt các mặt hàng xăng dầu theo xu hướng giảm của giá thế giới. Theo đó, giá xăng giảm từ 1.600-1.800 đồng/lít; các mặt hàng dầu cũng hạ 1.180-1.350 đồng.
Sau điều chỉnh giảm, giá bán lẻ xăng dầu ngày 12.10 phổ biến mức sau: xăng RON95-III 23.040 đồng/lít, xăng E5 RON92 21.900 đồng/lít, dầu diesel 22.410 đồng/lít, dầu hỏa 22.460 đồng/lít và dầu mazut 16.230 đồng/lít.
Sau điều chỉnh giảm mạnh, chiết khấu bán lẻ xăng dầu cũng lao dốc theo.
Trúc Chi (t/h)