Hãng tin Reuters cho hay, trước thềm hội nghị "Tuần lễ năng lượng Nga" với sự tham dự của Tổng thống Putin, đại diện hai phía Saudi Arabia và Nga - hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - đã có cuộc thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ, cũng như vấn đề giá cả trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Israel và Hamas.
Giá dầu thô đã tăng vọt sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Israel hôm 7/10.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã chào đón Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - tại Moscow trong ngày 11/10.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: AFP
Phó Thủ tướng Novak cho biết ông và Hoàng tử Abdulaziz đã thảo luận về thị trường dầu mỏ và sự hợp tác giữa hai nước trong nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+.
"Tất nhiên, sự hợp tác giữa hai phía trong OPEC+ đã được xem xét tại cuộc họp nội bộ của chúng tôi, đây là một trong những chủ đề quan trọng nhất mà chúng tôi đã thảo luận trong ngày. Chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc và nhân cuộc gặp này để thảo luận về tình hình thị trường" - Ông Novak nói.
Trước đó, Saudi Arabia và Nga đã phối hợp cắt giảm nguồn cung trong những năm gần đây để hỗ trợ giá dầu.
Nga sẵn sàng hỗ trợ Saudi Arabia
Theo Reuters, ngoài cuộc thảo luận giữa Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Nga và Saudi Arabia đã tổ chức một cuộc họp của ủy ban liên chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Novak nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng tăng cường cung cấp các sản phẩm dầu cho Saudi Arabia. Các quốc gia vùng Vịnh có nhà máy lọc dầu lớn như Saudi Arabia thường tái xuất khẩu nhiên liệu của Nga.
Phó Thủ tướng Novak cũng đồng thời đề cập rằng, Nga sẵn sàng hợp tác với Saudi Arabia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thăm dò địa chất và cung cấp lương thực.
Một cơ sở lọc dầu của Aramco ở khu vực al-Khurj, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP)
Những lo ngại về thị trường dầu
Theo kế hoạch, Tổng thống Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn. Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani - người đang có chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Moscow, và một số đại diện của OPEC cũng có kế hoạch tham dự diễn đàn này.
Trước đó, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu, giảm tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày - tương đương hơn 1% nhu cầu toàn cầu - cho tới cuối năm nay.
Giá dầu đã tăng hơn 3 USD trong phiên sáng 9/10 tại châu Á, sau khi xung đột quân sự giữa các lực lượng của Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại dải Gaza vào cuối tuần trước làm gia tăng bất ổn chính trị ở Trung Đông.
Giá dầu Brent tăng 3,34 USD, hay 3,95%, lên 87,92 USD/thùng vào lúc 6 giờ 20 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,44 USD, hay 4,16%, lên 86,23 USD/thùng.
Sang ngày 10/10, Saudi Arabia cho biết, họ đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế để ngăn chặn tình hình leo thang ở Gaza và các khu vực lân cận, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ.
Israel sản xuất rất ít dầu thô nhưng các thị trường dầu đang lo ngại xung đột leo thang sẽ làm gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt dự kiến trong những tháng còn lại của năm nay.
Bên cạnh đó, trong bài viết đánh giá về tình trang leo thang xung đột mới nhất giữa Palestine và Israel trên tờ National News của UAE, giới phân tích được dẫn lời cũng nhận định rằng cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào Hamas sẽ làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
Các nhà phân tích của ANZ Bank nhận định rủi ro địa chính trị gia tăng tại Trung Đông sẽ hỗ trợ giá dầu, với khả năng biến động mạnh hơn.