Trong báo cáo cập nhật hàng tháng công bố hôm 12/10, IEA đánh giá rủi ro đứt gãy nguồn cung từ xung đột tại Trung Đông hiện còn "hạn chế". "Tuy nhiên, các vụ tấn công gây thương vong đã khiến giới nhà buôn phải kéo giá lên cao để phản ánh rủi ro địa chính trị", IEA cho biết.
IEA cho rằng dù xung đột vẫn chưa có tác động trực tiếp lên nguồn cung, các bên tham gia thị trường năng lượng "vẫn sẽ phải đề phòng" khi cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn.
"Xung đột tại Trung Đông ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu chắc chắn. Các sự kiện có diễn biến nhanh. Việc này diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu đang cân bằng, khiến cộng đồng quốc tế tập trung vào các rủi ro về dòng chảy tại Trung Đông", IEA cho biết.
IEA nhấn mạnh "rủi ro địa chính trị đang leo thang nhanh". Vì thế, họ sẽ tiếp tục theo dõi sát thị trường dầu và "sẵn sàng hành động khi cần thiết để đảm bảo thị trường có đủ nguồn cung".
Israel không phải là nước sản xuất dầu lớn, và cũng không có cơ sở dầu mỏ lớn gần Dải Gaza. Tuy nhiên, khu vực Trung Đông hiện đóng góp hơn một phần ba lượng dầu được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu. Xung đột Israel - Hamas sẽ làm tăng rủi ro ảnh hưởng đến sản xuất năng lượng trong khu vực.
Trong trường hợp nguồn cung dầu bị gián đoạn, phản ứng của IEA có thể là xả kho dự trữ khẩn cấp của các nước thành viên, hoặc áp dụng biện pháp kiềm chế nhu cầu. IEA hiện có 31 nước thành viên, chủ yếu là các nền kinh tế tiên tiến.
Giá dầu thế giới tăng vọt trong phiên 9/10, khi Brent có thời điểm lên 88,7 USD một thùng, còn WTI lên 86 USD. Đây là phiên giao dịch đầu tiên sau khi chiến sự tại Trung Đông nổ ra.
Tuy nhiên, giá quay đầu giảm vài phiên qua, khi Arab Saudi cho biết đang làm việc với các đối tác trong khu vực và quốc tế để ngăn xung đột leo thang. Cả Nga và Arab Saudi – hai nước dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đều khẳng định sẽ nỗ lực bình ổn thị trường dầu.
Hà Thu (theo CNBC, AFP)