Chiều 12-10, trong khuôn khổ sự kiện thành lập Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam Bộ, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo Thu hút "đầu tư xanh" cho vùng Đông Nam Bộ. Hội thảo đã kết nối, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) cùng trao đổi về định hướng thu hút đầu tư vào khu vực.
Nhiều thách thức
Là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững. Tuy vậy, các địa phương trong vùng vẫn gặp rất nhiều thách thức trong thu hút đầu tư xanh.
PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhìn nhận đầu tư xanh mang lại cơ hội lớn cho quốc gia, vùng lãnh thổ và DN nhưng để thu hút được đầu tư xanh lại không dễ dàng bởi nhiều rào cản.
Một là, thiếu sự rõ ràng về định nghĩa đầu tư xanh. Thực tế ở nhiều quốc gia, nhận thức của xã hội về tài chính xanh, đầu tư xanh còn hạn chế. Hai là, sự hiểu biết chung về tác động của rủi ro môi trường của các tổ chức tài chính cũng mới ở giai đoạn đầu.
Ba là, khó khăn trong tiếp cận vốn tài chính xanh. "Đầu tư xanh đặt ra thách thức lớn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển và DN. Đầu tư vào máy móc thiết bị thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí trả trước rất cao và chi phí chuyển đổi phương thức sản xuất cũ rất lớn" - PGS-TS Phạm Tiến Đạt nhìn nhận.
Nhiều giải pháp về kinh tế xanh, đầu tư xanh... được các đại biểu thảo luận tại hội thảo Thu hút “đầu tư xanh” cho vùng Đông Nam Bộ, do Báo Người Lao Động tổ chức .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ở góc độ DN, ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi), cũng cho biết nhiều khó khăn khi triển khai thu hút đầu tư xanh. Là DN sớm ý thức chuyển đổi xanh, cách đây khoảng 10 năm, Sonadezi đã hướng đến đầu tư xanh bằng cách sử dụng năng lượng xanh.
Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, có chính sách về giá, vị trí cho nhà đầu tư "xanh", như có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nước thải bảo đảm...
Tuy nhiên, việc thu hút DN đủ tiêu chuẩn là rất khó bởi DN nào cũng mong muốn đầu tư nhanh để hoàn vốn; DN có xu hướng đầu tư vào các trung tâm lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; đặc biệt chỉ tiêu về đầu tư xanh còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hà, Phó Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza), cho rằng chính vì tiêu chí về đầu tư xanh hiện nay chưa rõ ràng nên việc thống kê chưa thể chính xác mà còn cảm tính. Ông cho biết quá trình thu hút đầu tư xanh tại Hepza đã phát sinh một số vấn đề.
Đơn cử, những ngành trước nay coi là phát sinh ô nhiễm thì bây giờ có tiếp tục thu hút đầu tư không? Nếu TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung từ chối tiếp nhận đầu tư ngành nghề ô nhiễm nhưng các nước khác tiếp nhận thì vẫn gây ra ô nhiễm toàn cầu.
Đồng bộ các giải pháp
Nhận diện khó khăn, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ. PGS-TS Phạm Tiến Đạt cho hay với mục tiêu đến năm 2050 giảm phát thải ròng bằng 0, Việt Nam chỉ còn 27 năm để thực hiện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông, đầu tiên cần làm rõ khái niệm và nội hàm của yếu tố "xanh" trong hoạt động đầu tư. Chính quyền các tỉnh Đông Nam Bộ cần có sự thống nhất trong cách hiểu và lựa chọn khái niệm xanh để có những chính sách khuyến khích và thu hút nguồn lực vào đầu tư xanh có hiệu quả. Trong đó, khái niệm xanh cần theo thông lệ quốc tế nhằm tránh những khó khăn cho hoạt động đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của DN, các tổ chức trung gian tài chính và cơ quan quản lý về phát triển bền vững.
Thứ ba, xác định rõ các lĩnh vực phù hợp để thu hút đầu tư xanh với mục tiêu chiến lược là phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, trong đó chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, cắt giảm khí thải là quan trọng để phát triển bền vững.
Thứ tư, tăng cường hợp tác công - tư trong các lĩnh vực, dự án được lựa chọn triển khai đầu tư xanh để thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp).
Thứ năm, hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh và đầu tư xanh. Khuôn khổ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của nền kinh tế và càng quan trọng hơn đối với đầu tư xanh.
"Do đó, khuôn khổ pháp lý cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng, làm rõ được phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Từ đó, hoàn thiện các quy định về tín dụng xanh" - PGS-TS Đạt nêu quan điểm.
Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Bá Khải, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng - Ban Quản lý KCN Bình Dương, nói tích hợp quy hoạch sẽ tạo được thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư xanh nói riêng. "Khi có được một quy hoạch tốt sẽ có một nền tảng tốt để thu hút đầu tư" - ông Khải nhấn mạnh.
Nêu giải pháp về phát triển du lịch xanh, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết thành phố sẽ tập trung vào 6 nội dung chính. Một là, cơ sở hạ tầng. Hai là, tạo môi trường phát triển du lịch xanh thông qua các cơ chế khuyến khích du lịch xanh, hợp tác với các địa phương để phát triển du lịch xanh.
Ba là, nâng cao chất lượng dịch vụ, như tập huấn cho các cơ sở du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên... Bốn là, công tác truyền thông, quảng bá về du lịch xanh. Năm là, khuyến khích DN xanh như hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến kinh tế, du lịch xanh. Cuối cùng là sản phẩm du lịch xanh, như du lịch cộng đồng, du lịch xanh Cần Giờ.
Phát biểu kết luận hội thảo, Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận các đại biểu đều đánh giá hội thảo hết sức ý nghĩa, chủ đề đột phá vào vấn đề mới với nhiều khó khăn, thách thức.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động gửi lời cảm ơn lãnh đạo các địa phương trong vùng, chuyên gia, DN đã dự và phát biểu tại hội thảo; cùng chia sẻ và làm những điều thiết thực. Cảm ơn các cơ quan báo chí đã chuyển tải nội dung của hội thảo đến bạn đọc để vấn đề này không chỉ thực hiện ở vùng Đông Nam Bộ mà còn được triển khai tại nhiều khu vực khác.
Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai: Ưu tiên các dự án xanh, phát triển xanh
Ngay từ những năm 2000, Đồng Nai đã chủ trương thu hút công nghệ sạch, công nghệ cao ít sử dụng lao động. Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư thời gian qua chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Với định hướng phát triển xanh và bền vững là yếu tố then chốt, tỉnh kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư xanh và có sự chọn lọc nhà đầu tư, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ. Tỉnh cũng sẽ kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM: Kinh tế xanh sẽ thúc đẩy tín dụng xanh
Trong điều kiện hiện nay, phát triển kinh tế xanh sẽ là môi trường kinh tế thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngoài yếu tố cơ chế chính sách và nguồn nhân lực thì yếu tố vốn, trong đó vốn tín dụng ngân hàng luôn giữ vai trò quan trọng. Thực tế, cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước ngày càng hoàn thiện và tạo điều kiện để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh.
Ở góc độ nghiệp vụ, tín dụng xanh không có sự khác biệt nhiều so với tín dụng thông thường. Do vậy, xem xét thẩm định cho vay một dự án xanh, phương án sản xuất kinh doanh xanh không khác nhau nhiều, về cơ bản vẫn là dựa trên quy chế cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Một việc cần làm nữa là đẩy mạnh công tác truyền thông để các tổ chức tín dụng lẫn DN hiểu hơn về kinh tế xanh, tín dụng xanh để nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng xanh.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Cần có thể chế phù hợp
Vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rất nhanh, song mô hình tăng trưởng nhiều năm liền chưa thay đổi. Vùng này đang thu hút đầu tư có chọn lọc vào các KCN theo hướng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, ít sử dụng lao động, trồng nhiều cây xanh hơn... để tạo mội trường đầu tư xanh hơn nhưng dường như vẫn chưa có thay đổi lớn.
Chúng ta vẫn thiên về tăng trưởng kinh tế 7%-8% mà ít chú ý đến phương thức và làm thế nào để đạt mức tăng trưởng đó. Chúng ta cũng đang gặp khó khăn trong xác định thế nào là tăng trưởng xanh để có tiêu chí, chính sách thúc đẩy. Hiện nay, phạm vi ưu đãi đã khác, ngành nghề ưu đãi, chế độ đầu tư đã khác nhưng từ năm 2005 đến nay Việt Nam chưa có sự thay đổi về tư duy, chính sách ưu đãi. Truyền thông phải vận động nhiều hơn cho một hệ thống tư duy, công cụ chính sách ưu đãi mới, phải thay đổi các luật liên quan mà đầu tiên là luật khuyến khích ưu đãi đầu tư và các luật khác.
TS TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Cần cơ chế hỗ trợ chuyển đổi xanh
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, khách quan của thời đại. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Đối với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội cho vùng cũng đã đưa ra những định hướng khá rõ ràng.
Bài toán hiện nay là vùng cần có cơ chế mạnh mẽ để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh. Một việc cũng rất quan trọng, đó là phải từng bước giảm khí thải nhà kính, phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cần nghiên cứu, thiết kế chính sách khuyến khích DN giảm tiêu hao năng lượng. Song song đó, vùng cũng cần giải quyết tốt bài toán về hạ tầng và nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao. Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển kinh tế xanh cho vùng, cần áp dụng cơ chế riêng, tương tự áp dụng Nghị quyết 98/2023 cho TP HCM.
TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Vấn đề đặt ra rất đúng thời điểm
Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo rất kịp thời, đúng thời điểm khi mới đây Việt Nam đưa ra một cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để thu hút đầu tư xanh cho Vùng Đông Nam Bộ, trước hết cần tăng cường nhận thức về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đầu tư xanh. Kế đến, cần có chương trình khung về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ nâu sang xanh và các giải pháp về tài chính, như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh... Bên cạnh đó cần có chính sách thuế, hình thành các thị trường tín chỉ carbon.
Còn ở góc độ vùng và địa phương, phải có cơ chế liên vùng, cải cách môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực... song song với chính sách cụ thể để khuyến khích DN đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh.
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Báo Người Lao Động tiên phong truyền thông mạnh mẽ về phát triển xanh
Hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề về thu hút đầu tư xanh vào vùng Đông Nam Bộ. Việc này còn gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đều khẳng định đây là xu hướng tất yếu của thời đại.
Đầu tư xanh có giá trị lớn trong tương lai, mang lại môi trường xanh, sạch. Việt Nam là một nước đang phát triển mà dám tiên phong về đầu tư xanh, phát triển xanh. Tuy việc này còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng nếu chúng ta không làm, không xông vào thì không bao giờ giải quyết được vấn đề.
Một trong những sứ mệnh góp phần thực hiện đầu tư xanh, phát triển xanh là truyền thông. Báo Người Lao Động xin nhận lãnh sứ mệnh đó, tiên phong trong tuyên truyền thu hút đầu tư xanh. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí cùng với Báo Người Lao Động truyền thông mạnh mẽ về vấn đề này.
Thanh Nhân - Phan Anh ghi
Xem thêm: mth.56784732221013202-hnax-ut-uad-hnam-tuh-uht-ed-nehgn-meid-oaht/us-ioht/nv.moc.dln