Cả hai chúng tôi đều là cựu học sinh Trường Petrus Ký, nay là Trường Lê Hồng Phong, từng nghe tiếng "trò Ơn" - đồng môn đàn anh, người đầu tiên bị bắn chết trong một cuộc biểu tình của học sinh chống thực dân.
Riêng tôi, càng bồi hồi vì một lần nữa được trông thấy những bức ảnh khuyết danh về một tang lễ gây chấn động cả nước giống như tang lễ của cụ Phan Chu Trinh ở Sài Gòn năm 1926.
Tập ảnh bi tráng của gia đình
Cuối năm 1989, đoàn làm phim tài liệu kỷ niệm 40 năm Ngày học sinh sinh viên toàn quốc 9-1 đến phòng truyền thống của Trường Lê Hồng Phong. Tại đây, có một tập ảnh đám tang ngày 12-1-1950 đầy ắp những bức ảnh chưa công bố.
Đó là tập ảnh bìa cứng theo kiểu xưa, ảnh được dán trên nền giấy sẫm màu. Mỗi trang ảnh có kèm theo một giấy kiếng mờ để giữ ảnh không bị phai màu hay trầy trụa. Có nhiều ảnh khổ nhỏ bên cạnh ảnh khổ to, nước ảnh còn rất sáng.
Cho đến giờ, tôi nhớ có khá nhiều những bức ảnh chụp toàn cảnh đám tang, đông nghịt người trên sân trường.
Và trên các con đường đi từ Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi đặt linh cữu cho đến nghĩa trang, đám đông tập hợp theo từng đội hình học sinh các trường, giáo chức, thợ thuyền, tiểu thương, trí thức, thương gia và viên chức.
Hầu hết các nhóm đều có biểu ngữ lớn dẫn đầu, nổi bật là biểu ngữ màu trắng chữ đen của nữ sinh Gia Long (Minh Khai): "Bạn dẫu thác, tên bạn muôn đời còn sống". Thêm nữa là hai câu đối đi kèm với lời hiệu triệu, mạnh mẽ: "Chết vì nghĩa tinh thần còn đó, sống vô nhân hồn xác mất đi".
Rất xúc động có mấy bức ảnh ghi lại hình bà mẹ của anh Ơn, mặc áo dài, trùm khăn trắng, đôi mắt khổ đau. Bà ngồi trên xích lô được đẩy đi song song với chiếc xích lô, nơi đặt vòng hoa tang và di ảnh của anh.
Một bức ảnh khác ghi cảnh nấm mộ vừa đắp, có vòng hoa tang đặt bên trên, phía sau là một nam sinh giương cao di ảnh "trò Ơn".
Những bức ảnh bi thương
Đây là sưu tập ảnh do nhiều người chụp gửi tặng cho gia đình anh Ơn. Đặc biệt trong tập ảnh, chúng tôi thấy không chỉ có ảnh lễ tang, nó còn lưu giữ một số ảnh chụp về cuộc biểu tình trước dinh thủ hiến Nam Kỳ (Bảo tàng Thành phố) vào ngày 9-1-1950.
Bi thương nhất là ảnh hai viên cảnh sát, dùng dùi cui rượt đuổi một thiếu niên mặc áo trắng. Không rõ người học sinh có thoát được cuộc trấn áp tàn bạo? Kế đến là ảnh đoàn xe "vòi rồng" của lính cứu hỏa phun nước vào đoàn biểu tình ở ngã tư gần dinh Thủ hiến.
Trong tập ảnh còn có ảnh chụp thi hài của anh Ơn, sau khi anh bị trúng đạn và được đưa vào bệnh viện.
Ngoài ra, còn có một số ảnh ghi nhận cảnh học sinh túa ra đường Catinat (Đồng Khởi) và các con phố lớn trong lúc bị truy đuổi.
Nhìn những bức ảnh ngày 9-1 và ngày 12-1-1950, ta không khỏi ngạc nhiên trước sự dấn thân táo bạo của người chụp trong tình huống nhiều hiểm nguy. Trong số họ có những phóng viên chuyên nghiệp, song càng ngạc nhiên hơn có cả dân thường - "những ống kính không tên"!
Nghĩa khí người Sài Gòn
Một trong những "ống kính" thầm lặng, sau này ta mới biết có ông Nguyễn Văn Mai, một nhà giáo của trường tư thục Kiến Thiết. Tuy không chụp ảnh nhưng ông còn táo bạo hơn - dám đem máy quay phim đi "chớp hình" đám tang anh Ơn. Năm 1985, qua sự giới thiệu của nhà trường, tôi đã gặp người quay phim ẩn danh ấy.
Những thước phim mộc mạc 8 li, được ông cụ gửi qua Pháp in tráng và rồi giấu kín trong chiếc ghế ở phòng khách suốt 25 năm. Chính ông vào năm 1989, còn giúp chúng tôi xem lại bộ phim bằng chiếc máy chiếu phim cổ xưa mà ông vẫn còn giữ tốt tại nhà.
Bộ phim này nhiều năm trước vẫn được truyền hình thành phố phát sóng mỗi lần kỷ niệm 9-1. Cụ Mai cùng những thước phim chân chất là nhân chứng sống động của một Sài Gòn đầy khí phách thời đó.
Thêm một người dân thường khác cũng đã gửi tặng chứng tích đám tang anh Ơn cho nhà trường. Người ấy đem đến một hộp ảnh khoảng hơn 50 tấm khổ 6x6cm và cho biết thân sinh của mình tự nguyện chụp ảnh biến cố lớn lao này.
Trước khi mất, ông cụ dặn con phải đem tặng ảnh cho trường để chúng "về lại với mọi người".
Tôi đã xem những bức ảnh công phu mà tên người chụp rất tiếc nhà trường quên ghi lại. Đẹp lắm, rõ lắm nhất là những bức ảnh chụp các học sinh bị thương trong cuộc biểu tình. Người chụp đã vào tận bệnh viện và ghi được khoảng khắc các nụ cười tươi vui và hồn nhiên của thế hệ trẻ dũng cảm!
Vào năm 2000, đúng 50 năm sau sự kiện 9-1, báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận một số tấm ảnh đám tang Trần Văn Ơn.
Theo nhà báo Bảo Châu, người trao tặng là cụ Nguyễn Lui - 82 tuổi. Chính cụ là người len lén giấu máy ảnh trong túi, đi lẫn vào đoàn tuần hành để chụp cận ảnh từng đoàn đưa tang. Cụ còn ra đến nghĩa trang, len lỏi trong đám đông để ghi hình đồng bào từ biệt trước mộ.
Những người quay phim, chụp hình thầm lặng như cụ Mai, cụ Lui và còn nhiều người khác hẳn đã vượt lên nỗi sợ hãi mật thám, lính kín bủa vây để làm một nhiệm vụ không do ai phân công.
Đó là nhiệm vụ từ trái tim nghĩa khí như tinh thần của những Lục Vân Tiên từ xưa truyền lại: "Giữa đường thấy cảnh bất bình chẳng tha"...
Xem những thước phim và bức ảnh trên, ta nhận ra người chụp dù là phóng viên chuyên nghiệp hay dân thường, đều chỉ có thể thực hiện việc này bằng tấm lòng nhân ái và đồng cảm với những hành động phản kháng chế độ thực dân.
Chắc hẳn chỉ có những tấm lòng trân trọng công sức tiền nhân và nhiều điều hay đẹp của quá khứ mới có thể ngăn chặn và đền bồi sự vô ơn hay thiếu hiểu biết, vốn đã làm các ký ức và hiện vật lịch sử tàn phai!
----------
Nhiều người đã biết câu chuyện hy sinh của anh Nguyễn Thái Bình. Nhưng ít người biết còn có bộ ảnh rất đặc biệt về anh, kể lại hành trình anh từ Việt Nam đi Mỹ đấu tranh phản chiến cho quê hương và cả những tấm hình bi hùng lúc anh ngã xuống sân bay Tân Sơn Nhất...
Kỳ tới: Nguyễn Thái Bình, những bức ảnh hùng anh
Tiểu thuyết Les Misérables - Những người khốn khổ của Victor Hugo và những bộ phim chuyển thể có một đại cảnh đầy ấn tượng. Đó là cảnh đám tang một tướng quân yêu nước trở thành cuộc tuần hành châm ngòi cho người dân Paris (Pháp) nổi dậy.