Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS) hiện là tiêu chuẩn trên rất nhiều xe mới, ít nhất ở các mức độ khác nhau. Hệ thống này gồm nhiều tính năng, tiêu biểu có cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ phanh khẩn cấp và ga tự động thích ứng.
Theo nghiên cứu của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ, ADAS có khả năng ngăn ngừa 62% số ca tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm.
Việc đưa ADAS lên hàng loạt ô tô đã được áp dụng ở nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu, trong khoảng 2010 - 2015. Tuy nhiên, số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Anh chỉ giảm nhẹ từ 1.857 năm 2020 xuống 1.695 năm 2022.
Mặc dù nguyên nhân gây ra tai nạn đường bộ rất nhiều và đa dạng, nhưng một trong số đó có thể nằm ở việc tài xế đã tắt bớt tính năng ADAS.
Nhiều tài xế tắt ADAS
An toàn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua xe. Nền tảng thu thập dữ liệu Statista (tổng hợp thống kê từ hàng nghìn nguồn uy tín, trong đó có các viện nghiên cứu, tổ chức chính phủ, những tờ báo lớn) cho biết top 3 mối quan tâm hàng đầu của người mua xe là tiết kiệm nhiên liệu, an toàn và giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, theo Autocar dẫn lời tổng thư ký Euro NCAP Michiel van Ratingen, đang có xu hướng chủ động tắt bớt tính năng ADAS đến từ phía tài xế.
"Thách thức lớn nhất của chúng tôi là thuyết phục người dùng về tầm quan trọng của những tính năng này. Có một xu hướng đáng lo ngại là nhiều phương tiện truyền thông và lời khuyên trên TikTok khuyến khích tài xế tắt chúng đi", ông nói.
Theo đó, nhiều tài xế tắt các tính năng ADAS vì quá khó chịu với tiếng cảnh báo của hệ thống, ngay cả khi cách họ lái xe khi đó, theo họ tự đánh giá, là hoàn toàn bình thường và đủ an toàn.
Một ví dụ điển hình về điều này là hệ thống giữ làn đường. Theo nghiên cứu của J.D. Power, trung bình, 23% khách hàng sử dụng các hệ thống này phàn nàn cảnh báo gây khó chịu. Do đó, 61% đôi khi vô hiệu hóa hệ thống, chỉ 21% hoàn toàn không coi ADAS là phiền phức hay khó chịu.
"Các nhà sản xuất ô tô đang chi rất nhiều tiền cho việc phát triển công nghệ tiên tiến, nhưng những cảnh báo liên tục có thể khiến người lái xe bối rối và chán nản. Công nghệ không thể bị coi là các ông bố bà mẹ hay cằn nhằn; không ai muốn liên tục bị chỉ trích mình lái xe dở tệ", Kristin Kolodge - giám đốc mảng nghiên cứu mối quan hệ người-máy của J.D. Power - cho hay.
Do đó, Euro NCAP đang hợp tác với các nhà sản xuất để giảm thiểu "ô nhiễm tiếng ồn" trong cabin, cũng như giảm bớt sự khó chịu mà công nghệ mới mang lại.
Euro NCAP không phải tổ chức duy nhất. Kể từ năm 2015, Hiệp hội Công nghệ xe tiên tiến, có trụ sở tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã nghiên cứu ADAS và các công nghệ xe công nghệ cao khác, bao gồm cả hệ thống tự hành.
Thatcham Research, tổ chức phi lợi nhuận của ngành bảo hiểm Anh được thành lập vào năm 1969, cũng tham gia vào nghiên cứu hành vi sử dụng ADAS.
Tom Leggett - chuyên gia của Thatcham Research - cho biết: "Qua thử nghiệm, chúng tôi biết lợi ích an toàn cốt lõi của các hệ thống này, nhưng giờ đây chúng tôi muốn biết cách mọi người sử dụng chúng. Chẳng hạn, nhiều người đã tắt tính năng hỗ trợ giữ làn, như vậy lợi ích an toàn công nghệ mang đến sẽ bị biến mất. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn điều đó".
Ông cũng nói thêm: "Chúng ta đã làm rất tốt trong việc trang bị ADAS hiệu quả cho phương tiện. Nhưng phần còn lại phụ thuộc vào người ngồi sau vô lăng. Chúng ta cần tìm hiểu rõ điều này, đặc biệt khi có nhiều báo cáo cho thấy tài xế không sử dụng công nghệ, có lẽ vì họ không hiểu được lợi ích của chúng, cảnh báo sai hay gây khó chịu bằng cách nào đó".
Nhưng đồng thời cũng quá lệ thuộc ADAS
Ở mặt ngược lại, một xu hướng đối lập là tài xế quá tin tưởng vào ADAS, đến mức họ tự thả rông chính mình khi lái xe. Chẳng hạn, nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn đường bộ ở Mỹ cho thấy những tài xế sử dụng ga tự động thích ứng có nhiều khả năng chạy quá tốc độ hơn.
Kết hợp ga thích ứng với giữ làn, các nhà nghiên cứu nhận thấy những chiếc xe nằm trong tay người lái lệ thuộc vào ADAS có nguy cơ xảy ra va chạm chết người cao hơn 10%. Sam Monfort, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Ga tự động thích ứng có một số lợi ích an toàn. Nhưng xem xét khả năng tài xế lạm dụng công nghệ đến mức thiếu cẩn thận khi lái xe cũng rất quan trọng".
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), hệ thống hỗ trợ lái xe ADAS ngày càng phổ biến, nhưng tài xế vẫn chật vật với vấn đề an toàn.