Sau ít nhất 2 đợt tham vấn với các chuyên gia của ngành trong nhiều tháng, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, bao gồm Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán (CSRC), gần đây đã đệ trình một kế hoạch sơ bộ lên lãnh đạo cao nhất nước này.
Nguồn tin tiết lộ, dù chi tiết triển khai kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện và có khả năng bị loại bỏ, song các cơ quan này muốn thành lập một quỹ có khả năng tiếp cận tổng số vốn lên đến hàng trăm tỷ NDT.
Các cuộc thảo luận diễn ra cùng thời điểm với quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc mua số cổ phiếu trị giá khoảng 65 triệu USD của các ngân hàng lớn nhất nước này, nhằm thúc đẩy thị trường. Hiện tại, giới chức Trung Quốc đang nhận được ngày càng nhiều lời kêu gọi từ các nhà kinh tế và quỹ phòng hộ về việc can thiệp trực tiếp bằng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu lần đầu tiêu kể từ khi thị trường lao dốc năm 2015.
Trong năm nay, Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường, bao gồm giảm phí giao dịch và thuế chuyển nhượng. Tuy nhiên, chỉ số CSI 300 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng vào đầu tuần này và thấp hơn 37% so với mức cao nhất ghi nhận vào năm 2021. Các quỹ nước ngoài cũng tiếp tục bán cổ phiếu Trung Quốc, do lo ngại về ngành bất động sản và căng thẳng địa chính trị.
Trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn vào năm 2015, Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSFC) đã can thiệp thị trường, khi tiếp cận khoản vay 3 nghìn tỷ NDT từ các nguồn bao gồm NHTW và các tổ chức cho vay thương mại. Số tiền này được sử dụng để trực tiếp mua cổ phiếu và thanh khoản cho các nhà môi giới. Song, phải đến 1 năm sau thị trường mới ổn định.
Ở phiên 12/10, chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau khi các trang truyền thông đưa tin về việc Central Huijin Investment mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cam kết nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy thị trường.
Trong thời gian qua, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng không như mong đợi đã gây áp lực cho nhiều yếu tố, từ cổ phiếu, giá cả hàng hoá cho đến kết quả kinh doanh của các công ty đa quốc gia như Nike và LVMH.
Vài tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều động thái nhằm trấn an nhà đầu tư. Hồi đầu tuần này, Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đang cân nhắc thực hiện một đợt kích thích kinh tế mới để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Tham khảo Bloomberg