Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp để thi công các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh rất cấp thiết. Tổng khối lượng vật liệu san lấp cần khoảng 21,5 triệu m3.
Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản 107 khu vực trên tổng diện tích 1.092ha để các nhà thầu thi công lựa chọn, lập hồ sơ xin khai thác vật liệu san lấp.
Song do vướng mắc về pháp luật khoáng sản, đầu tư, đất đai nên chỉ có hai nhà đầu tư tham gia, tổng trữ lượng khoảng 920.000m3 đất san lấp.
Tuy nhiên, cả hai mỏ này đang tạm ngưng hoạt động do chưa hoàn thiện thủ tục đất đai để ký hợp đồng thuê đất.
Mặt khác, quá trình áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp cũng gặp nhiều vướng mắc.
Cụ thể, nhà thầu phải thực hiện đầy đủ thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường, tự thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc nhà thầu phải tự thỏa thuận với người dân đẩy chi phí giá thành lên cao.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý. Điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện và chưa tạo sự đồng thuận của người dân quản lý sử dụng đất.
Với những khó khăn trên, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho tỉnh thí điểm đăng ký thu hồi vật liệu san lấp trong quá trình thực hiện phương án cải tạo đất nông nghiệp (năm 2023 - 2025) đối với khối lượng đất đăng ký làm dự án.
Đối với các khu vực khai thác vật liệu phục vụ công trình trọng điểm theo cơ chế đặc thù, kiến nghị chấp thuận cho nhà thầu không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư theo quy định; các khu vực này không phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, xây dựng và sử dụng đất.
Nhà thầu tự thỏa thuận bằng văn bản với người dân có xác nhận của UBND cấp xã để được khai thác khoáng sản. Sau khi hoàn thành khai thác, nhà thầu có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường. Diện tích đất sau khai thác được giao lại cho người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục quản lý.
Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị chấp thuận cho gia hạn 3 dự án cải tạo đất làm vật liệu san lấp tại thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, để phục vụ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các công trình đầu tư công của tỉnh.
Sau nhiều lần nhắc nhở, UBND tỉnh Đồng Nai vừa kết luận một số công ty lấy đất đắp làm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có sai phạm nghiêm trọng.