Thời gian đầu tiên GSM sẽ có 150 ôtô điện và sẽ mở rộng quy mô lên 1.000 xe trong năm nay, với hai mẫu VF 5 Plus và VF e34. Công ty này dự kiến phát triển dịch vụ taxi, và tiến tới phát triển đầy đủ hệ sinh thái dịch vụ, gồm cả hoạt động như bán và cho thuê ôtô điện VinFast - tương tự như mô hình đang triển khai tại Việt Nam.
"Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch tiến ra thị trường nước ngoài, đưa GSM trở thành hãng gọi xe có tầm vóc khu vực và thế giới và góp phần phổ cập xe điện tới đông đảo người dùng", ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM viết trên trang cá nhân.
GSM được thành lập vào tháng 3/2023, do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup sở hữu 95% cổ phần. Công ty hoạt động trong hai mảng chính, cho thuê ôtô, xe máy điện và lập hãng taxi điện, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Đến tháng 5, GSM đã tăng vốn điều lệ lên 5.650 tỷ đồng, trong đó vốn góp bằng VND chiếm 50%, còn lại là tài sản khác.
Sau khi đi vào hoạt động, GSM đã ký kết thỏa thuận đầu tư và hợp tác với Be Group nhằm đưa ôtô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải công nghệ tại Việt Nam. Sau Taxi Xanh SM, giữa tháng 8, công ty này triển khai thêm dịch vụ Xanh SM Bike, sử dụng xe máy điện VinFast để cung cấp dịch vụ chở khách.
Theo báo cáo gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) quý II của VinFast, GSM là bên mua xe lớn nhất của VinFast. Công ty này đã nhận khoảng 7.100 ôtô điện từ VinFast tính tới cuối quý II. Trước đó, GSM đã ký thỏa thuận mua 200.000 xe máy điện và 30.000 ôtô điện từ VinFast.
Minh Sơn