Vì sao dòng tiền vào thấp?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia chứng khoán Lê Trọng Đình Tâm cho biết VN-Index kết thúc phiên ngày 13-10 với "cây nến rút chân" và đóng cửa quanh mức cao nhất trong ngày, đạt 1.154,7 điểm (+0,3%).
Tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn duy trì mức thấp, kéo dài từ đầu tháng 10 với mức 12.000 - 15.000 tỉ đồng/phiên. Con số này theo ông Tâm, thấp hơn đáng kể với quy mô trên 20.000 tỉ đồng trong phần lớn các phiên giao dịch vào quý 3-2023.
"Thanh khoản đi xuống xuất phát từ tâm lý thận trọng của một bộ phận nhà đầu tư khi VN-Index hình thành nhịp giảm mạnh từ vùng đỉnh 1.250 điểm", ông Tâm nói.
Nếu nói theo phân tích kỹ thuật, chuyên gia này cho biết việc chỉ số quay lại với xu hướng giảm ngắn hạn trong thời gian qua đã kéo theo trạng thái quan sát và chờ đợi của một bộ phận nhà giao dịch theo "trend" (xu hướng).
Thị trường điều chỉnh chủ yếu do ảnh hưởng từ tỉ giá hối đoái trong bối cảnh Dollar-Index có một nhịp tăng tương đối mạnh trong hơn 2 tháng qua. Điều này được giải thích bởi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ còn tăng lãi suất thêm một lần trong kỳ họp chính sách tháng 11 tới, theo ông Tâm.
Mặc dù vậy hiện Dollar-Index đang chững lại quanh vùng kháng cự 107 - 107,5 điểm, trong khi đó Fed dù có tăng lãi suất thêm một lần cũng sẽ đạt đỉnh chu kỳ về lãi suất trước khi đảo chiều chính sách từ năm 2024.
Chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương - Chứng khoán Mirae Asset - cũng cho biết VN-Index đã có chuỗi tăng liên tiếp 5 phiên khá bất ngờ. Tuy nhiên chuỗi tăng điểm đã diễn ra với mức thanh khoản mỗi phiên đi ngang vùng thấp, chỉ 580 - 600 triệu đơn vị khớp lệnh mỗi phiên trên sàn HoSE, do đó tạo tâm lý nghi ngờ cho nhà đầu tư.
Cũng theo chuyên gia từ Mirae Asset, khối ngoại bán ròng hơn 1.900 tỉ đồng trên HoSE trong tuần. Chiều mua ròng khối ngoại mua vào rất ít. Trong tuần sau chuyên gia dự báo chỉ số sẽ kiểm định mốc kháng cự quan trọng là ngưỡng MA 20 ngày (1.159 điểm).
Nhà đầu tư muốn tồn tại, phát triển bền vững cách nào?
Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh như hiện nay, khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang, lựa chọn cầm tiền đứng ngoài quan sát. Một số nhà đầu tư còn nhắc lại phát biểu hồi tháng 6 năm nay của một lãnh đạo công ty chứng khoán rằng "95% nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ trên thị trường chứng khoán".
Ông Lê Trọng Đình Tâm cho rằng dù thị trường chứng khoán có giai đoạn biến động mạnh song việc nói "95% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ" là chưa có căn cứ và số liệu.
Bên cạnh đó, giao dịch của khách hàng tại công ty chứng khoán là số liệu được bảo mật và gần như không thể tổng hợp cho toàn bộ thị trường.
Nhà đầu tư muốn tồn tại và phát triển bền vững ở trên thị trường chứng khoán, theo ông Tâm, cần hoàn thiện ba yếu tố: xây dựng phương pháp đầu tư bài bản; học cách quản trị rủi ro; và rèn luyện tâm lý vững vàng khi giao dịch.
"Việc rèn luyện tâm lý là điều khó nhất do học ở sách vở và lý thuyết là không đủ mà cần phải rèn trong thực tế", ông Tâm nói.
Về xu hướng các phiên tới, chuyên gia này dự báo rung lắc giằng co có thể là trạng thái chính của chỉ số trước khi VN-Index lấy đà để kiểm tra lại vùng kháng cự quanh MA 20 ngày (đường trung bình động 20 ngày, quanh ngưỡng 1.160 điểm).
"Nếu chỉ số vượt MA 20 ngày thành công thì thanh khoản sẽ quay trở lại do các nhà giao dịch theo 'trend' sẽ đẩy mạnh vị thế mua, và đó cũng là lúc VN-Index xác nhận đáy cứng", ông Tâm nói.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần điều chỉnh thứ 4 liên tiếp. Các ngành hút dòng tiền tiếp tục là nhóm có quy mô vốn hóa nhỏ.